MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy cô cho rằng, kiểm tra bài cũ kiểu "gọi bất chợt, hỏi bất chợt" chỉ khiến học sinh hoang mang. Ảnh: Trang Hà

Kiểm tra bài cũ kiểu "gọi bất chợt, hỏi bất chợt" chỉ khiến học sinh hoang mang

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) LDO | 18/09/2023 19:03

Việc kiểm tra bài cũ theo kiểu "gọi bất chợt, hỏi bất chợt" chỉ khiến học sinh thêm căng thẳng, áp lực.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM cho rằng: “Để nâng cao chất lượng, trường học cũng phải hạnh phúc, học sinh đến trường vui vẻ, không bị căng thẳng. Nếu thầy cô cứ “gọi bất chợt, hỏi bất chợt” không những làm cho học sinh căng thẳng, còn không mang lại giá trị gì cho các em”.

Theo nhiều thầy cô đây là chỉ đạo có tính chuyên môn và tinh thần nhân văn cao, giúp học sinh hạnh phúc khi đến trường với tâm trạng “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Theo các quy định, hướng dẫn của Bộ GDĐT, việc kiểm tra học sinh theo kế hoạch bài dạy thể hiện dưới nhiều hình thức, không chỉ có hỏi (kiểm tra miệng) mà còn có viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập,...

Việc kiểm tra không nhất thiết là vào đầu tiết học mà có thể diễn ra trong tiết học, do vậy thầy cô không nên "gọi bất chợt, hỏi bất chợt" vì điều này sẽ gây bối rối, hoang mang, học sinh mất bình tĩnh.

Bản thân tôi khi vào tiết dạy môn Lịch sử, đầu tiết học sau khi ổn định lớp, điểm danh xong, tôi đặt câu hỏi để học sinh có một phút suy nghĩ rồi trả lời nên nhiều cánh tay giơ lên chứng tỏ được sự tự tin của các em.

Còn nội dung câu hỏi ở mức độ vừa phải đảm bảo yêu cầu kiến thức cần đạt không đánh đố học sinh nên nhờ vậy phần kiểm tra rất diễn ra nhẹ nhàng.

Ví dụ khi kiểm tra hình thức: Hỏi - đáp về Liên Xô và các nước Đông Âu từ năm 1945 đến giữa những năm 70 của thế kỉ XX (Lịch sử 9), tôi đưa ra câu hỏi: “Em hãy kể những thành tựu Liên Xô đạt được về khoa học - kỹ thuật”?

Hay khi dạy Lịch sử 8, Mục 2: “Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ”, tôi đặt câu hỏi: “Em có biết vì sao trên lá cờ nước Mỹ có hình 50 ngôi sao và 13 sọc kẽ ngang không”?

Những câu hỏi mang tính gợi mở khiến nhiều em hào hứng giơ tay xin giải thích, xin trả lời. Không còn sự căng thẳng, áp lực, tiết học của thầy trò chúng tôi bắt đầu bằng sự tươi vui, hào hứng.

Dạy học là cả một nghệ thuật, kiểm tra bài cũ là một khâu của quá trình dạy học, nên thầy cô cần linh hoạt, sáng tạo trong việc kiểm tra học sinh. Không cần phải thuộc lòng, máy móc chỉ cần các em hiểu, hứng thú trả lời là thành công rồi. Kiểm tra kiến thức cũ và mới là một công đoạn tạo tiền đề hứng khởi trước khi vào phần khởi động, giúp quá trình tiết học diễn ra thành công.

Việc hình thành kiến thức không chỉ là ghi nhớ, thuộc lòng mà quan trọng là thông qua các hoạt động học tập để hình thành kiến thức và vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống đó mới chính là yêu cầu, mục tiêu cần đạt của bài học đối với học sinh.

Việc thầy cô dò bài học sinh trả bài (kiểm tra bài cũ) như trước đây là nặng về kiểm tra kiến thức, không phù hợp với quan điểm, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tóm lại, việc kiểm tra học sinh theo kế hoạch bài dạy, thầy cô không được “gọi bất chợt, hỏi bất chợt” vì điều này sẽ gây bối rối, hoang mang, học sinh mất bình tĩnh. Điều này không nên và không đúng với dạy học phát huy năng lực của học sinh. Mỗi giờ học cần sự vui vẻ, ham thích của các em học sinh khi đến trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn