MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ GDĐT bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng. Ảnh minh hoạ: Tuấn Anh

Kiến nghị miễn học phí chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên

Nguyễn Văn Lực, Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa LDO | 26/04/2023 19:35

Việc học, thi chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) khiến giáo viên tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Ngày 14.4.2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư 01- 042021/TT-BGDĐT.

Thông tư số 08, Bộ GDĐT đã điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN, chỉ quy định một chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có một chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Như vậy, so với trước đây, nếu mỗi hạng giáo viên sẽ có một chứng chỉ thì giờ đây tất cả các hạng giáo viên chỉ cần một chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN là được.

Thực tế, dù muốn hay không, giáo viên vẫn phải đăng kí học học bồi dưỡng chứng chỉ CDNN bởi phải học để giữ hạng, thăng hạng, xếp lương mới.

Giáo viên hiện nay đều phải học bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN hạng I, II, III tùy thuộc vào hạng đang giữ. Số tiền mỗi giáo viên phải đóng cũng khác nhau tùy theo mỗi địa phương từ 2.600.000 đồng/ giáo viên đến 3.000.000 đồng/ giáo viên. Nếu nhân số tiền này với giáo viên cả nước là con số không hề nhỏ trong khi đời sống của đại đa số giáo viên vẫn còn không ít khó khăn.

Do đó, nhiều thầy cô đồng kiến nghị Bộ GDĐT nếu không thể bỏ hoàn toàn chứng chỉ này thì nên có chỉ đạo miễn đóng tiền khi phải học chứng chỉ CDNN để tạo thuận lợi, động viên, khuyến khích  thầy cô học lấy chứng chỉ.

Riêng Diên Khánh (Khánh Hòa), lãnh đạo địa phương có cách tổ chức được giáo viên ủng hộ, đó là việc học bồi dưỡng được chia làm nhiều đợt kéo dài trong ba năm, không gây ảnh hưởng nhiều đến công tác của giáo viên. Đặc biệt, giáo viên tham gia học bồi dưỡng không phải đóng tiền.

Theo quan điểm của lãnh đạo huyện Diên Khánh, việc học bồi dưỡng là nhiệm vụ của giáo viên còn đóng học phí là trách nhiệm của Nhà nước. Do đó, huyện tự cân đối ngân sách để đóng học phí cho giáo viên. Nên chăng các địa phương khác cũng học tập cách làm của Diên Khánh. Điều này hợp tình, hợp lý và được sự đồng thuận của tất cả giáo viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn