MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kiệt quệ vì dịch bệnh, nhiều trường mầm non tư thục đồng loạt rao bán

Lan Nhi LDO | 22/11/2021 08:37
Hà Nội - Phải đóng cửa liên tục vì dịch COVID-19, nhiều trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội không gánh nổi chi phí mặt bằng, buộc phải rao bán nhanh trên mạng xã hội.

Áp lực tài chính đè nặng

Theo ghi nhận của Lao Động, nhiều điểm trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội gần đây đang liên tục phải rao bán, sang nhượng gấp trên mạng xã hội. Chào mời người mua với mức giá sang nhượng chỉ từ 100 - 500 triệu đồng, một số trường mầm non tư thục còn sẵn sàng để lại toàn bộ nội thất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học miễn phí nếu như ai đồng ý, chịu xuống tiền mua ngay. 

Do phải đóng cửa triền miên trong dịch COVID-19, các điểm trường này đều rơi vào tình trạng chung là kiệt quệ tài chính, không thể gánh nổi chi phí mặt bằng đắt đỏ vì cạn vốn đầu tư. Thậm chí một số nơi còn phải hoạt động "cầm chừng" bằng cách đi vay lãi ngân hàng để duy trì hoạt động. 

 Trường mầm non Smile Kids (phố Vọng, quận Hai Bà Trưng) nhiều tháng nay đã phải đau đầu xoay xở bài toán tài chính trong mùa dịch. Ảnh: Lan Nhi

Vừa giải thể và thanh lý toàn bộ cơ sở vật chất, chị Trang - Hiệu trưởng trường mầm non Smile Kids (phố Vọng, quận Hai Bà Trưng) cho biết nhiều tháng nay đã phải đau đầu xoay xở bài toán tài chính. Liên tục rao bán cơ sở mầm non trong 1 tháng qua, chị Trang cho rằng phải chật vật lắm, chị mới có thể sang nhượng được trường trong mùa dịch. Hiện tại, trường mầm non của chị vẫn đang cố gắng thu gom một số đồ đạc, bàn ghế nhựa để thanh lý nốt.

Chị Trang chia sẻ: "Do cạn vốn nên tôi đành phải rao bán điểm trường này. Nếu bạn có mong muốn mở điểm trường mầm non tư thục trên phố Đại La, Trương Định... thì tôi có thể để lại một số đồ đạc, cơ sở vật chất với mức giá hợp lý. Thậm chí, tôi có thể giới thiệu, nhượng lại toàn bộ những giáo viên hiện đang công tác lâu năm, có kinh nghiệm tại trường". 

Trường mầm non tư thục Nụ cười của bé (số 107, phố Nam Dư, phường Lĩnh Nam)  đang được rao bán với mức giá 490 triệu đồng. Ảnh: Lan Nhi

Đăng tin rao bán cơ sở trường mầm non nhưng chưa tìm được người mua, chị Mai Hoàng - Hiệu trưởng trường mầm non tư thục Nụ cười của bé (số 107, phố Nam Dư, phường Lĩnh Nam) cũng lo lắng: "Dịch bệnh khó khăn nên hiện ở cơ sở này mình đang phải cố gắng đăng tin chuyển nhượng. Trường của tôi mở từ năm 2019. Giá trường hiện đang chốt là 490 triệu đồng đã bao gồm đồ đạc, bàn ghế, thiết bị học tập đầy đủ cho 4 phòng học". 

Khó "mặn mà" với nghề 

Dù đã mở cửa lâu năm, có giấy phép hoạt động và cơ sở vật chất đầy đủ... nhưng khi được hỏi, nhiều hiệu trưởng trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội vẫn tỏ ra ngán ngẩm. Lúc này, họ chỉ mong nhanh chóng giải thể, tìm được người mua để gỡ bỏ gánh nặng tài chính, chuyển sang làm ngành nghề khác. 

Chưa hết, vì các điểm trường mầm non tư thục đang phải ngày đêm "gồng lỗ", lo chi trả tiền mặt bằng và các khoản chi phí khác nên nhiều giáo viên tại đây đều rơi vào tình trạng bất ngờ thất nghiệp. Một số người phải kiếm sống bằng cách nhận bán hàng online tại nhà. Người thì bỏ về quê, người thì ai kêu gì làm nấy, kiếm tiền trang trải qua ngày.

Nhiều trường mầm non tư thục đăng tin rao bán với mức giá rẻ, chỉ mong tìm được người mua trong dịch COVID-19. Ảnh: Lan Nhi

“Là giáo viên, khi nhìn hàng loạt cơ sở trường mầm non tư thục phải rao bán trong mùa dịch tôi cũng thấy buồn. Trường giải thể, nhiều chị em phải chủ động rủ nhau đi tìm việc làm. Người chuẩn bị hồ sơ đi làm công nhân, người thì bán hàng online, nhận làm thêm những công việc thời vụ và chưa có ý định quay lại nghề" - cô Trịnh Lan Anh, giáo viên trường mầm non tư thục (quận Cầu Giấy) cho hay. 

Sau một thời dài hoạt động cầm chừng, các trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội đang rơi vào tình trạng khánh kiệt tài chính. Một số cơ sở buộc phải đóng cửa trong nhiều tháng mà chưa hẹn ngày sẽ hoạt động trở lại. Do không "cõng" được chi phí mặt bằng và các khoản phí khác, nhiều cơ sở buộc phải chọn giải pháp sang nhượng với mức giá rẻ hoặc đóng cửa, bỏ ngang giữa chừng trong dịch bệnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn