MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công việc đầu tiên là tiền đề để sinh viên mới ra trường học cách trở thành một nhân viên tốt. Ảnh: AFP

Kinh nghiệm “xương máu” cho sinh viên mới ra trường đi làm

Bảo Trân LDO | 24/03/2022 13:36
Công việc đầu tiên là tiền đề rất quan trọng để bạn học cách làm một nhân viên tốt, từ đó biết cách làm một quản lý tốt. Những bài học này vô cùng quan trọng và cực kỳ hữu ích cho sinh viên mới ra trường đi làm, chưa có nhiều kinh nghiệm sống.

Giấy trắng mực đen

Đừng bao giờ để công việc chỉ nói miệng. Đây là một kinh nghiệm tối quan trọng, không bao giờ được quên ở môi trường công sở. Tất cả các công việc được trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại thì cần phải gửi email hoặc tin nhắn để xác nhận lại. Việc này không chỉ giúp các bên hiểu rõ ý nhau cũng như nắm được chi tiết quá  trình thực hiện công việc mà còn là bằng chứng bảo vệ bạn khi có tranh chấp xảy ra.

Hỏi đúng chỗ, đúng cách

Bạn cần chủ động đặt câu hỏi bởi vì đi làm không giống như đi học. Không ai có đủ thời gian cầm tay chỉ bạn mọi việc. Thông thường khi mới vào làm, bạn sẽ rất dễ bị rối khi hầu như không ai hướng dẫn chi tiết cho bạn về bộ máy hoạt động của công ty.

Thử thách của bạn lúc này là tự bắt nhịp vào công việc, sinh viên mới ra trường đi làm thường sẽ “ăn” nhau ở bước này. Để chứng minh mình là một nhân viên sáng giá, bạn cần phải xông xáo quan sát và đặt câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên là bạn phải tìm ra quy trình chung của công việc. Sau khi đã nắm được cách vận hành của cả bộ máy thì bạn tìm hiểu kỹ vào công đoạn do mình phụ trách. Bạn cần đặt câu hỏi để biết mình cần làm những bước gì, báo cáo cho ai, cần lấy thông tin từ đâu…

Tuy nhiên, điều cực kỳ quan trọng là dùng óc quan sát để chuẩn bị trước, không hiểu ở đâu thì hỏi chỗ đó chứ không phải động đến cái gì cũng cuống lên đi hỏi. Nếu không làm vậy, bạn sẽ thể hiện mình là một người lười tìm hiểu và thiếu khả năng quan sát. Cái gì chưa biết thì phải tự mình đi tìm câu trả lời trước, cái gì không thể tự giải đáp được thì mới đặt câu hỏi. Ai cũng bận bịu nên bạn cần cố gắng hết sức để tìm hiểu tất cả những gì bạn có thể “tự thân vận động”.

Không quên sổ, bút

Nối tiếp việc đặt câu hỏi là ghi lại. Sau khi đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời, bạn phải nhớ. Hết sức tránh tình trạng hỏi xong để đó không làm, hoặc hỏi xong thì quên, lần sau lại hỏi cùng câu hỏi. Đi học ở trường, thầy cô không ngại đi theo nhắc nhở học bài, làm bài, nộp bài… nhưng đến lúc đi làm, không ai có thể kiên nhẫn với bạn đến thế. Một điều đơn giản nhưng lại giúp các bạn ghi điểm rất lớn trong mắt các sếp là mỗi khi sếp gọi thì hãy đến cùng với sổ, bút trên tay.

Cẩn trọng với đồng nghiệp

Đồng nghiệp không giống như bạn thời đi học của bạn. Chắc chắn vẫn sẽ có những đồng nghiệp chân thành quan tâm đến bạn và theo thời gian có thể trở thành bạn tốt của bạn. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, mọi chuyện phức tạp hơn bạn nghĩ và bạn nên giữ mối quan hệ với đồng nghiệp ở mức chuyên nghiệp, không nên đi sâu hơn.

Chưa tiếp xúc với đồng nghiệp đủ lâu nhưng vì thấy họ thân thiện nên kể hết mọi chuyện riêng là một sai lầm lớn. Hãy giữ mối quan hệ ở mức đồng nghiệp đủ lâu để có thể đánh giá xem người này có phải là một người bạn của mình hay không. Kể cả nếu trở thành bạn bè cũng nên giữ những chuyện riêng của cả hai ở ngoài môi trường làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn