MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em - phản đối việc kỷ luật học sinh bằng việc đuổi học, hay phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường. Ảnh: Dạ Thảo.

Kỷ luật học sinh bằng cách đuổi học, phê bình trước lớp là thiếu nhân văn

Bích Hà LDO | 04/10/2017 09:00
Thông tư 08 của Bộ GDĐT về khen thưởng, kỷ luật học sinh (HS) ra đời gần 30 năm hiện vẫn là căn cứ để nhà trường xem xét, đánh giá kỷ luật HS. Có điều, những quy định này không còn phù hợp với hiện tại, đi ngược với các quy định của pháp luật về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Quy định quá lỗi thời

Những năm qua, báo chí đã không ít lần phản ánh Thông tư 08/TT ngày 21.3.1988 của Bộ GDĐT về hướng dẫn khen thưởng và kỷ luật HS đã lạc hậu so với sự vận động của đời sống xã hội, những thay đổi trong tâm lý tuổi học trò.

Đơn cử, thông tư quy định HS được khen trước lớp nếu hăng hái tham gia các buổi lao động của trường như đi đúng giờ, mang đầy đủ dụng cụ, làm việc năng suất... Thực tế hiện nay, rất ít trường tổ chức cho HS lao động, nhất là ở thành phố.

Trong khi đó, có rất nhiều lỗi phổ biến của HS hiện nay như việc nói xấu thầy cô, bạn bè trên Facebook, nói tục, chơi games, trao đổi chất kích thích, vi phạm an toàn giao thông, hay quay clip đánh nhau tung lên mạng... lại không được quy định trong thông tư.

Quy định quá cũ, tồn tại gần 30 năm qua mà chưa được cơ quan quản lý chỉnh sửa, khiến giáo viên lúng túng trong việc khen thưởng, xử lý, kỷ luật HS.

Bêu riếu, đuổi học sinh là việc làm thiếu nhân văn

Trong thông tư 08 hướng dẫn cụ thể 7 mức khen thưởng và 5 mức kỷ luật, trong đó phần kỷ luật lần lượt là khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật, cảnh cáo toàn trường, đuổi học một tuần và đuổi học một năm.

Đánh giá về các hình thức kỷ luật này, Thạc sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em - cho rằng, thông tư đã không còn phù hợp với thực tế, nhất là có một số quy định xâm phạm đến quyền của trẻ em.

“Trong Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đặc biệt là Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Trẻ em 2016 đã quy định rất rõ: Các trường phải có ý kiến tham vấn của trẻ em về tất cả các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của trẻ em. Mọi nội quy, kỷ luật trong trường học, đều được xây dựng trên cơ sở tôn trọng các quyền của trẻ em, như quyền được sống, được học tập, được bảo vệ quyền riêng tư… Sau đó phải được sự thỏa thuận của ba bên nhà trường - phụ huynh - học sinh.

Rõ ràng, những quy định như kiểm điểm HS phạm lỗi trước lớp, trước toàn trường trong Thông tư 08… cũng là một dạng xâm hại tinh thần trẻ em, khiến chúng bị xấu hổ, ảnh hưởng đến tâm lý. Tại sao chúng ta còn tồn tại những quy định như này?

Tôi cũng phản đối việc kỷ luật HS bằng hình thức đuổi học, vì nó không thể hiện sự nhân văn, mà chỉ cho thấy sự bất lực của ngành giáo dục trong việc thực hiện sứ mệnh giáo dục toàn diện cho HS” - nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Nguyễn Trọng An khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn