MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ding chụp ảnh cùng mẹ trong ngày lễ tốt nghiệp khoa luật quốc tế thuộc trường Đại học Bắc Kinh năm 2015. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Kỳ tích chàng trai bại não thi đỗ Đại học Harvard

Bích Hà LDO | 18/05/2017 09:52
Sinh ra đã không may mắc bệnh bại não, mọi sinh hoạt đều khó khăn vì không thể điều khiển cử động như người bình thường, nhưng họ đã vượt lên số phận. Chính họ đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường, khi Đing Đing thi đỗ đại học Harvard trong sự ngỡ ngàng, thán phục, còn Vũ Quốc Hùng sáng tác nên những bản nhạc hay dành tặng cho đời.

“Ta không chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống” câu nói này rất đúng với 2 câu chuyện mà chúng tôi sắp kể. Một là của Đing Đing (29 tuổi) – chàng trai đang gây “bão mạng” ở Trung Quốc. Và chàng nhạc sĩ viết nhạc bằng chân Vũ Quốc Hùng (Việt Nam). Họ đã chứng minh, khi bản thân rơi vào lòng sâu của sự nghiệt ngã số phận, thì ý chí vươn lên không gục ngã là cách duy nhất giúp chúng ta sống tốt trong cuộc đời này.

29 năm kiên trì thực hiện ước mơ

Đing Đing là kết quả của mối tình ngọt ngào của hai giảng viên. Một ngày, bà Tố Hồng Nhan đi khám và hết sức đau khổ khi bác sĩ thông báo đứa con trai của bà bị bại não bẩm sinh. Bác sĩ khuyên gia đình nên bỏ đứa trẻ, chồng bà cũng đồng ý, vì không muốn sau này con trở thành gánh nặng của gia đình. Nhưng với lương tâm và tình mẫu tử, bà Nhan không nỡ bỏ đi giọt máu của mình. Bà quyết định giữ lại con, dù biết mênh mang phía trước là những tháng ngày khó khăn chất chồng.

Lựa chọn này đã khiến bà mất đi hạnh phúc riêng, khi không tìm được tiếng nói chung với chồng, và 2 người chia tay.

Nuôi một đứa trẻ bình thường đã bao vất vả, với một đứa trẻ bị bại não, phát triển chậm hơn bình thường, không tự điều khiển được các hoạt động của cơ thể, càng khó khăn gấp bội. Bà cố chắt chiu từng đồng để đưa con tới các buổi trị liệu phục hồi chức năng.

1 tuổi, con người ta biết đi, con bà chưa biết ngồi. Đến khi những đứa trẻ khác biết gọi tên mẹ, Đing mới học đi. Cứ thế, chầm chậm, nhưng hai mẹ con không bỏ cuộc.

Bà Tố Hồng Nhan kiên trì cùng con vượt qua khó khăn của bệnh tật. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Thấy con không thể tự cầm đũa, cầm thìa, trong khi mọi người thân đều hiểu rằng, cậu bé sẽ không thể điều khiển được hoạt động chân tay như những người bình thường, thì bà Nhan vẫn luôn nghĩ con có thể làm được và kiên trì huấn luyện.

Có những lúc cảm tưởng như sắp gục ngã, vì dường như những công sức mình bỏ ra như “muối bỏ bể”. Có những lúc bà âm thầm nuốt nước mắt, khi thấy con lớn lên với những mặc cẩm, xấu hổ vì bệnh tật của mình. Thương con, bà tự động viên mình mỗi ngày và truyền cho con niềm tin đó.

Nhờ sự kiên trì và yêu thương vô điều kiện của mẹ, càng lớn Đing càng biết mình phải cố gắng nhiều hơn, để đền đáp những hy sinh quá lớn của mẹ. Tiếp thu bài chậm hơn các bạn, nhưng Đing lấy sự chăm chỉ của mình để bù. Cứ vậy, hai mẹ con Đing đã liên tục viết nên những kỳ tích. Năm 2011, cậu đã có thể tốt nghiệp cử nhân trường Đại học Khoa học môi trường và kỹ thuật Bắc Kinh. Sau đó, cậu đăng ký học Thạc sĩ tại trường Luật Quốc tế và tốt nghiệp năm 2015. Sau khi làm việc được 2 năm, được sự động viên của mẹ, Đing xin học nâng cao tại Đại học Harvard.

Qua nhiều lần phỏng vấn, vượt qua các bài test tiếng Anh, mẹ con Đing vỡ òa khi nhận được giấy báo nhập học của trường danh tiếng thế giới.

Câu chuyện vượt qua bệnh tật của Đing Đing đang gây "bão mạng" tại Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Hai ngày qua, truyền thông Trung Quốc rầm rộ đưa tin về câu chuyện tưởng như không thể xảy ra này: Đứa trẻ bị bại não ngày trước đã thách thức mọi suy đoán bi quan của bác sĩ để vào được Đại học Harvard , với một sự nỗ lực phi thường, cùng sự hy sinh, kiên trì, động viên của người mẹ.

Chàng trai bại não viết nhạc bằng chân

Tại Việt Nam, cũng có những câu chuyện cổ tích giữa đời thường như thế. Chàng trai chúng tôi muốn nhắc đến là Vũ Quốc Hùng (nghệ danh Thiên Ngôn, sinh năm 1993, Nam Định). Hùng cũng mang trong mình căn bệnh bại não bẩm sinh, không thể vận động. Tuổi thơ với cậu đầy nước mắt và bi kịch. Nhưng cũng nhờ có mẹ, sự hy sinh, nỗ lực của cô Tạ Thị Mùi (sinh năm 1964), mà Hùng đã trưởng thành từng ngày và có những trái ngọt đầu tiên trong sự nghiệp.

Cô Mùi cũng như bà mẹ người Trung Quốc kia, hy sinh tất cả, kể cả hạnh phúc riêng vì con trai. Con không thể đến trường như bạn bè, cô Mùi vừa làm mẹ, vừa làm cô giáo, dạy con những chữ đầu tiên. Thấy con thích nghe nhạc, cô mua đàn và mời cả cô giáo về nhà dạy.

Ông trời không phụ công, 3 năm nay, khi có tiếng đàn làm bầu bạn, Vũ Quốc Hùng sống lạc quan hơn và bộc lộ tài năng. Em tự mày mò, học sử dụng máy tính, rồi lên mạng tìm hiểu về hòa âm, phối khí. Rồi “đứa con tinh thần” của Hùng ra đời, trở thành những bản hit được các bạn trẻ yêu thích. “Đừng bắt em phải quên”, “Em muốn quên”, “Dù không là định mệnh” ... là những ca khúc được viết ra bởi một chàng trai không thể tự di chuyển, không thể giao tiếp bình thường.

Tháng 3 vừa qua, Vũ Quốc Hùng cũng gây "bão mạng" ở Việt Nam khi viết lá thư vô cùng xúc động làm quà tặng mẹ. Ảnh: FBNV

“Mẹ là người giáo viên duy nhất trong đời dạy con ý nghĩa của sự sống. Rằng có mặt trên trái đất này, được thấy mây xanh nắng vàng, đó chính là cơ hội. Rằng con không thể đi bằng đôi chân co quắp của mình, nhưng con còn đôi mắt sáng để nhìn về nơi mình muốn đến… Mẹ dạy con bài học về sự lựa chọn. Con không được phép chọn giữa sống và tồn tại, con phải có ích; không được phép chọn giữa tiếp tục hay buông xuôi, con phải hết mình; con cũng không được phép chọn giữa sự thật hay giả dối, con phải chân thành”… Đọc những lời xúc động này, không ai ngờ được viết nên bởi một người đang mắc phải căn bệnh bại não.

Câu chuyện của hai chàng trai đang và sẽ truyền cảm hứng cho những người không may mắn khác, để thấy, cuộc sống chẳng bao giờ có tận cùng khổ đau…

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn