MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lương tăng sẽ là động lực để giáo viên yên tâm cống hiến. Ảnh: Vân Hà

Làm 20 năm lương không nổi 10 triệu đồng, giáo viên mong được tăng

Vân Hà LDO | 21/11/2023 20:31

Nhiều giáo viên chạnh lòng khi công tác tròn 20 năm trong ngành giáo dục, nhưng lương chỉ hơn 9 triệu, chưa bằng sinh viên mới ra trường.

Ra trường và công tác trong ngành giáo dục đến nay đã tròn 20 năm, mức lương hàng tháng, đã bao gồm cả các loại phụ cấp của cô giáo Bùi Thị Minh Hương, Trường THPT Can Lộc (Hà Tĩnh) chỉ hơn 9 triệu. Cả 2 vợ chồng làm giáo viên, lại nuôi 3 con trong độ tuổi ăn học, thu nhập hiện tại chưa thể giúp cô Minh Hương đảm bảo chi tiêu, trang trải cuộc sống.

"Mức lương hiện tại của 2 vợ chồng chưa đủ đáp ứng cuộc sống. Từ khi ra trường đến năm 2002, gia đình tôi vẫn ở khu tập thể của trường. Chỉ đồng lương giáo viên, để gom góp đủ tiền xây nhà là điều vô cùng khó khăn" - cô Minh Hương nói.

Không riêng cô Minh Hương, với 1 nhà giáo ra trường, công tác trong ngành giáo dục 10 năm, mức lương được tính theo thang bảng lương hiện hành chỉ khoảng 8 triệu đồng. Mức thu nhập này thấp hơn nhiều so với ngành nghề khác, thậm chí là chưa thể bằng sinh viên mới ra trường.

"Lương hàng tháng đã bao gồm các loại phụ cấp chỉ khoảng 8,5 triệu đồng. Nhiều khi cũng buồn vì khi so với sinh viên mới ra trường, làm ở các ngành nghề khác, lương đã hơn 10 triệu. Dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng, yêu nghề, đam mê và theo đuổi. Hy vọng thời gian tới, chính sách cải cách tiền lương sẽ giúp đời sống của giáo viên được cải thiện" - cô giáo Dương Thị Nhuần - Trường THPT Can Lộc (Hà Tĩnh) bày tỏ.

Thực tế, đã có thời điểm, vì cuộc sống, cô Nhuần từng làm thêm nhiều nghề tay trái như bán hàng online, bán bảo hiểm,... Song, cô nhận thấy, theo đuổi 1 nghề vẫn là tốt nhất.

Đối với đội ngũ nhà giáo, việc vừa dạy học, vừa làm thêm nghề tay trái rất phổ biến. Bởi mức lương hiện tại của đội ngũ giáo viên còn thấp, chưa tương xứng với mức lao động, thời gian, trách nhiệm, tâm huyết bỏ ra.

Trong khi trách nhiệm với học sinh, nhà trường, gia đình, xã hội trong việc giáo dục học sinh lại vô cùng nặng nề. Ngoài thời gian lên lớp, giáo viên còn phải bỏ nhiều thời gian soạn bài, tìm hiểu tâm lí, hỗ trợ học sinh ngoài giờ lên lớp.

Chính vì vậy, cô Nhuần cùng đồng nghiệp đón nhận thông tin cải cách tiền lương như 1 tin mừng, động lực để tiếp tục cống hiến. Thầy cô đều có chung mong muốn, Nhà nước có chính sách quan tâm để giáo viên có thu nhập cao hơn, tương xứng với giá trị, sức lao động bỏ ra.

"Khi đã có gia đình, nhu cầu cuộc sống, cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai của giáo viên. Nếu được tăng lương, giáo viên phần nào bớt được áp lực, yên tâm công tác" - cô Nhuần nói.

Cô Đinh Thị Quý - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hà Nội) cũng bày tỏ mong muốn, đội ngũ giáo viên sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, sẻ chia đồng hành của toàn xã hội.

"Tôi mong đội ngũ giáo viên sẽ được Ban giám hiệu, các cấp chính quyền quan tâm nhiều hơn nữa để đời sống vật chất được nâng cao hơn, được chăm lo về tinh thần. Đây sẽ là động lực để giáo viên cố gắng làm tốt chuyên môn, cống hiến cho ngành" - cô Quý bày tỏ

Dự kiến sau cải cách tiền lương năm 2024, lương nhà giáo sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Điều này không chỉ giúp cải thiện đời sống của giáo viên mà còn thể hiện được sự quan tâm của Chính phủ đối với những nhà giáo, nhân viên công tác trong ngành giáo dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn