MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

Lạm dụng thuyết trình trong trường học, chúng ta sẽ mất nhiều thứ

HUYÊN NGUYỄN LDO | 10/03/2021 11:33

Lạm dụng thuyết trình trong trường học, giáo viên nhàn, học sinh dễ “hổng” kiến thức là vấn đề được nhiều người quan tâm gần đây. Theo thầy giáo Trần Mạnh Tùng – Giáo viên Toán tại Hà Nội - nếu thầy cô mà lạm dụng, học sinh vất vả, thậm chí còn tốn kém trong công tác chuẩn bị mà hiệu quả lại không cao.

Thưa ông, hiện nay trong giáo dục phổ thông, có những phương pháp dạy học nào được áp dụng phổ biến?

- Trong dạy học, phương pháp truyền thống vốn được nhiều người biết đến như nhóm dùng lời (gợi mở, vấn đáp, thuyết trình, giải thích, thảo luận); nhóm trực quan (phương pháp trực quan, trình diễn) và nhóm thực hành (luyện tập, thực hành, ôn tập, thí nghiệm).

Đây là những phương pháp quen thuộc với các thế hệ.

Ngoài ra, phương pháp dạy học tích cực được đẩy mạnh những năm gần đây bao gồm giải quyết vấn đề, dạy học theo dự án, dạy học truy vấn.

Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng. Vì thế, để thực sự tối ưu quá trình dạy học chúng ta phải biết kết hợp các phương pháp khác nhau, lấy ưu điểm của phương pháp này để khắc phục những hạn chế của phương pháp khác, như vậy mới thực sự có chất lượng.

Ở nước ta, phương pháp đang được dùng nhiều nhất hiện nay vẫn là giáo viên thuyết trình kết hợp gợi mở, vấn đáp. Phương pháp này đã cũ, ít phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.

Gần đây, nhiều ý kiến đang bày tỏ về hiện tượng lạm dụng học sinh thuyết trình, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Học sinh thuyết trình là một cách dạy trong phương pháp dạy học theo dự án. Phương án này có ưu điểm học sinh được rèn luyện sự chủ động, làm việc nhóm, tinh thần tự học, tự nghiên cứu.

Trong quá trình tự tìm hiểu, học sinh sẽ hiểu được bản chất vấn đề, hiểu sâu, nhớ lâu. Điểm tiến bộ của phương pháp này là lấy học sinh làm trung tâm.

Phương pháp này còn tương đối mới, vì thế bên cạnh những điểm tích cực thì thực tế cũng còn thiếu một định hướng chung nên dễ xảy ra làm mang tính chất ngẫu hứng, tự phát và tương đối tự do. Nếu thầy cô mà lạm dụng, học sinh vất vả, thậm chí còn tốn kém trong công tác chuẩn bị mà hiệu quả lại không cao.

Điều này cũng dễ dẫn đến có những nơi đã "lạm dụng" phương pháp này, nhất là với học sinh lớp 10, 11.

Học sinh phải chuẩn bị quá nhiều bài thuyết trình, môn nào cũng thuyết trình.

Việc lạm dụng sẽ dẫn đến những hệ quả nào, thưa ông?

- Việc này dẫn đến nhiều tác dụng không mong muốn như học sinh bị mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị nên thiếu thời gian học tập các bộ môn khác.

Do tiến độ gấp gáp hoặc do học sinh không biết cách làm việc dẫn đến tâm lý căng thẳng, lo lắng. Làm việc nhóm cũng dễ gây tâm lý ỷ lại ở một số học sinh.

Không ít trường hợp thì do "bệnh thành tích", đến giai đoạn này thì giáo viên hoặc tổ phải có bài này, sản phẩm này... nên ngay cả giáo viên cũng vất vả và căng thẳng.

Cùng với đó, do quỹ thời gian không nhiều, trong kế hoạch dạy học chung cũng không có nên việc học sinh thuyết trình được xem như hoạt động "ngoại khoá", chỉ phù hợp với các trường học 2 buổi 1 ngày, nơi có dư thời gian để tiến hành.

Với những nơi hạn chế thời gian dạy học, sẽ có hiện tượng không chốt được kiến thức chuẩn dẫn đến học sinh tiếp thu thông tin không chính xác.

Trước những nhược điểm như vậy, theo ông, cần làm gì để khắc phục nhược điểm, phát huy được những điểm tốt của phương pháp học sinh thuyết trình?

- Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cần phát huy các phương pháp dạy học tích cực, trong đó có phương pháp học sinh thuyết trình.

Để làm tốt, cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, công phu, chủ động của cả học sinh và giáo viên.

Giáo viên cũng phải có hướng dẫn tổ chức tốt, điều hành khoa học, đánh giá chuẩn xác với năng lực và khả năng tiến bộ của từng học sinh.

Đặc biệt, giáo viên cần được đào tạo đầy đủ để có thể triển khai đồng bộ, hiệu quả, tránh tự phát như hiện nay. Các tổ chuyên môn, nhà trường cũng cần xây dựng kế hoạch thống nhất trong triển khai, trao đổi liên môn để rút kinh nghiệm.

Một điểm tôi nhấn mạnh là sự kết hợp các phương pháp dạy học để đem lại hiệu quả tốt nhất cho từng tiết học.

Xin cám ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn