MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm sao để chấn chỉnh hoạt động thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh?

Vân Trang LDO | 15/10/2022 11:55

Hiện nay, tại nhiều trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh dường như quá nhiệt tình với hoạt động tài chính. Vậy, cần làm gì để ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả, và không bị gắn mác "ban thu tiền"?

Cần giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn lạm thu đầu năm học

Theo nhiều phụ huynh, buổi họp phụ huynh đầu năm học có ý nghĩa quan trọng, là ngày gặp gỡ, kết nối giữa giáo viên chủ nhiệm và gia đình học sinh. Thế nhưng, phụ huynh than phiền, buổi họp phụ huynh đầu năm chỉ để mục đích "thu tiền".

Anh Ngô Gia Hải (Hà Nội) cho rằng, trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là vận động xã hội hóa giáo dục, chăm lo cho học sinh, chứ không thu tiền như một số nơi đang thực hiện. Do đó, cần có chế tài xử lí thật nghiêm những trường hợp biến tướng so với mục tiêu ban đầu. 

"Trường hợp Ban đại diện cha mẹ học sinh lợi dụng danh nghĩa để thu các khoản sai quy định sẽ bị xử phạt như thế nào? Hiệu trưởng có phải chịu trách nhiệm không?" - anh Hải đặt câu hỏi.

Trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa) đưa ra các khoản thu chi đầu năm lên đến hơn 10 triệu/học sinh khiến dư luận bức xúc những ngày qua. Ảnh: NTCC

Cô Trần Thị Nhâm, giáo viên Trường Tiểu học Tràng An (Đông Triều, Quảng Ninh) khẳng định, không có chuyện Ban đại diện cha mẹ học sinh làm việc độc lập. Giữa họ và Ban giám hiệu có mối quan hệ mật thiết.

"Trước khi thông báo các khoản thu chi, Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ làm việc với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng số tiền đó sau khi được toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến" -  cô Nhâm nói.

Là một giáo viên bậc THCS, đồng thời cũng có con đang trong độ tuổi đến trường, cô Nguyễn Thị Nga (Thanh Hóa) nhận định, cần có giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm. Đồng thời cần làm rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của hội phụ huynh khi vận động đóng góp tiền.

“Mỗi phụ huynh cần chủ động tìm hiểu các quy định về vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh, các khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh được phép, không được phép thu để kịp thời phát hiện, tố giác những vi phạm.

Cần có kênh phản hồi công khai để nếu xảy ra tình trạng lạm thu ở trường nào, cấp nào, phụ huynh, giáo viên có thể phản ánh trực tiếp kèm theo bằng chứng” - cô Nga nói.

Siết chặt thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh

Không lâu sau ngày tựu trường năm học mới 2022-2023, ngành giáo dục của nhiều địa phương đã có công văn yêu cầu siết chặt các khoản thu đầu năm, đặc biệt là hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. 

Sở GDĐT TP HCM đã chỉ đạo các phòng GDĐT rà soát lại tất cả các nội dung thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường.

Sở GDĐT Cà Mau cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, trường học tuyệt đối không tự đặt ra hoặc để giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh gợi ý và ép buộc phụ huynh học sinh đóng góp các khoản thu ngoài quy định hiện hành; Phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc thu các khoản thu, quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động, không để xảy ra vận động các khoản thu, sử dụng kinh phí trái quy định…

Sở GDĐT tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu tại các cơ sở giáo dục công lập trong tỉnh. Trong đó nhấn mạnh nội dung yêu cầu các cơ sở giáo dục tuyệt đối cấm lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định.

Để ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học mới, Sở GDĐT Hà Nội cũng đã hướng dẫn chi tiết việc tổ chức thu các khoản thu, quy định 7 khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu.

Dù các địa phương đã rất tích cực vào cuộc, rà soát, xử lí nghiêm những vi phạm trong thu chi đầu năm. Nhưng đâu đó vẫn còn tình trạng lạm thu gây bức xúc dư luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn