MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc bộ sách lớp 1 “Công nghệ giáo dục” do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá "không đạt" nhận được sự quan tâm của dư luận những ngày qua.

Làm thế nào để có sách giáo khoa tốt nhất cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục?

Đặng Chung LDO | 17/09/2019 06:26

10h sáng ngày 17.9, Báo Lao Động tổ chức tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (http://laodong.vn).

Nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho phép các tổ chức, cá nhân biên soạn nhiều sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông và lộ trình thực hiện từ năm học 2020-2021.

Thực tế thời gian qua đã có 5 bản thảo bộ sách giáo khoa lớp 1 từ các nhà xuất bản gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo để thẩm định. Tinh thần xã hội hóa theo Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội bước đầu đã có tín hiệu tốt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chất lượng những bộ sách giáo khoa theo tinh thần xã hội hóa đó phải được bảo đảm. Làm sao có được những bộ sách tốt nhất cho học sinh?

Những ngày qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều quanh việc hai cuốn sách “Tiếng Việt và Toán lớp 1” của  tài liệu “Công nghệ giáo dục” do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ trì biên soạn không được Hội đồng thẩm định sách giáo khoa mới thông qua, để trở thành một trong những bộ sách của chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều đáng nói Bộ sách này đã có 40 năm được đưa vào giảng dạy ở nhiều địa phương, với hơn 930.000 học sinh lớp 1 đang theo học.

Việc triển khai “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội được kỳ vọng sẽ xóa độc quyền sách giáo khoa, tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội, tạo môi trường cạnh tranh để học sinh và giáo viên có được những bộ sách giáo khoa tốt nhất.

Nhưng qua những tranh cãi về việc bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị loại ngay từ vòng thẩm định, có thể thấy vấn đề làm thế nào chọn được bộ sách tốt nhất, chất lượng nhất, đặc biệt nhận được sự đồng thuận của người dân là rất quan trọng và cần được đặt ra.

Từ những lý do này, 10h sáng nay – ngày 17.9, Báo Lao Động tổ chức tọa đàm với chủ đề “Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Chúng tôi hy vọng, thông qua buổi tọa đàm này, các chuyên gia sẽ cùng bàn luận, đưa ra góc nhìn, cũng như giải pháp, vì một mục tiêu trong tương lai sẽ chọn được những bộ sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh, vì sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của các khách mời:

-  Tiến sĩ Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;

-  Tiến sĩ Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT;

-  PGS-TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.

Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (http://laodong.vn).

Mọi câu hỏi cho khách mời, bạn đọc vui lòng gửi về địa chỉ email: toasoan@laodong.com.vn

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn