MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những tâm tư, nguyện vọng của nhà giáo sẽ được lắng nghe, chia sẻ, để có những giải pháp tháo gỡ. Ảnh: Hải Nguyễn

Lắng nghe tiếng nói của giáo viên để có giải pháp tháo gỡ

Tường Vân LDO | 15/08/2023 13:36

Đã có hơn 6.200 câu hỏi, ý kiến gửi tới chương trình “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục” được tổ chức vào ngày 15.8. Những tâm tư, nguyện vọng của nhà giáo sẽ được lắng nghe, chia sẻ, để có những giải pháp tháo gỡ trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục.

Nhiều băn khoăn trước thềm năm học mới

Đây là lần đầu tiên giáo viên có một diễn đàn để chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình với lãnh đạo ngành Giáo dục. Công đoàn Giáo dục Việt Nam là đơn vị tổ chức diễn đàn, tập hợp các kiến nghị của thầy cô.

Chia sẻ với Báo Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - cho biết, sau khi nhận ý kiến từ các giáo viên, công đoàn đã khảo sát và sắp xếp các nhóm vấn đề để lãnh đạo ngành Giáo dục giải đáp.

“Đối với giáo dục Mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như: Triển khai chương trình giáo dục đổi mới (dạy học tích hợp và dạy học phân hoá, tập huấn sách giáo khoa; chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, xét thăng hạng giáo viên…); điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).

Đối với giáo dục đại học, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới...” - ông Ân thông tin.

Nhận được tin chương trình đối thoại giữa giáo viên và Bộ trưởng sắp diễn ra, cô Đinh Thanh Hải - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Đông Triều (Quảng Ninh) - cho rằng, đây là cơ hội tốt để giáo viên bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng của mình liên quan tới các vấn đề giáo dục thời gian qua.

“Vấn đề tôi mong muốn Bộ trưởng chia sẻ nhất là thông tin liên quan tới chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể là việc giáo viên tập huấn thế nào để có thể nâng cao được chất lượng giảng dạy, đồng thời đưa ra những giải thích cụ thể về chính sách thu nhập, xét thăng hạng của giáo viên hiện nay” - cô Hải hy vọng.

Cô Lê Thị Hiền - Giáo viên THCS tại tỉnh Thanh Hoá - cũng bày tỏ mong muốn được lắng nghe buổi đối thoại với Bộ GDĐT. Cô Hiền đánh giá, sau 3 năm triển khai chương trình GDPT 2018, vướng mắc lớn nhất hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất và dạy học môn Khoa học tự nhiên.

Theo cô, chủ trương dạy học tích hợp đối với môn Khoa học tự nhiên là rất đúng đắn. Nhưng thực tế hiện nay, SGK chưa thể hiện tinh thần tích hợp, những nội dung còn rời rạc, tách biệt thành 3 phần Lý, Hoá, Sinh. 2 - 3 giáo viên cùng dạy chung 1 môn học. Học sinh học 1 môn nhưng vẫn phải viết 3 cuốn vở.

Cô Hiền mong muốn, tại buổi gặp gỡ với bộ trưởng, sẽ được lắng nghe ý kiến chính thức, tìm được giải pháp gỡ rối dạy học môn tích hợp trước thềm năm học mới đang đến gần.

Tiếng nói của giáo viên là cơ sở rất quan trọng

Là giáo viên tại một trường Mầm non ở Hà Nội, cô Bùi Ngọc Mai cho rằng: Sự kiện lần này là dịp để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục được nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học, cô Ngô Thị Lê - Giáo viên Trường THCS Thị trấn Núi Đối (Hải Phòng) - cho biết, bản thân đang rất băn khoăn hình thức thi xét hạng cho giáo viên. Cô Lê rất mong muốn bộ trưởng có thể đưa ra phương thức xét phù hợp hơn, thay vì cho giáo viên tham gia thi.

Đánh giá về chương trình “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục”, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) - cho rằng, ý kiến của giáo viên với Bộ trưởng Bộ GDĐT sẽ là cơ sở quan trọng để bộ có thể hoàn thiện chế độ, chính sách.

“Thông tin thu thập từ các giáo viên trong sự kiện sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, lãnh đạo phù hợp với thực tiễn” - ông Đức chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn