MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lễ khai giảng đơn sơ giữa rừng ở Quảng Nam

Hoàng Bin LDO | 05/09/2024 09:46

Quảng Nam - Tiếng trống khai trường rộn rã vang lên giữa rừng già, mang theo bao háo hức của những đứa trẻ Ca Dong đến với lớp học nơi lưng chừng mây.

Lớp học nơi lưng chừng mây

Tờ mờ sáng 5.9, hơn 70 nóc nhà của đồng bào Ca Dong ở nóc ông Phụng, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã rộn ràng.

This browser does not support the video element.

Những đứa trẻ tiểu học, mẫu giáo vùng cao xúng xính quần áo mới, vai mang cặp sách, hân hoan, nô nức đến trường dự lễ khai giảng đầu tiên trong đời.

Trẻ em ở nóc ông Phụng, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam nô nức đến trường. Ảnh Hoàng Bin

Ở giữa lưng chừng mây, xung quanh bốn bề là núi cao, rừng sâu, điểm trường lẻ ông Phụng, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Trà Dơn, gọi là trường, nhưng nhiều năm qua chưa bao giờ được nghe tiếng trống.

Nơi đây, giao thông cách trở, trường học tạm bợ, chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại chập chờn, không có Internet, không nước sạch, thiếu thốn không sao kể xiết.

Một người mẹ trẻ người Ca Dong dậy sớm, sửa soạn quần áo và cho con ăn lót dạ trước khi đến trường. Ảnh Hoàng Bin

Cô giáo Huỳnh Thị Hạ (28 tuổi, người Co) cho biết, điểm trường này chỉ có vỏn vẹn 50 học sinh, gồm mẫu giáo và tiểu học, do 2 giáo viên người Co và 1 giáo viên người Kinh phụ trách. Hiện vẫn còn 2 cô giáo dạy hợp đồng, bám bản hơn 5 năm, với mức lương chừng 6 triệu/tháng.

Do quá khó khăn, các năm trước lễ khai giảng chỉ làm đơn sơ với nghi thức gói gọn, thầy cô lấy xoong nồi gõ phát ra tiếng động thay tiếng trống trường.

Cha mẹ bận lên nương, trẻ tiểu học ở Trà Dơn tự mình đến lớp. Ảnh Hoàng Bin
2 em nhé Ca Dong bỡ ngỡ trong buổi đầu đi học. Ảnh Hoàng Bin

"Các em học sinh đều là dân tộc Ca Dong, hoàn cảnh rất đáng thương. Đồng bào nơi đây sống dựa lưng vào núi, no đói nhờ rừng. Với họ, việc cho con đến trường là cả một câu chuyện đầy cố gắng. Ở đây, chỉ có học lấy cái chữ, thì sau này các em mới đỡ khổ” - cô giáo Hạ nói.

Lễ khai giảng đơn sơ

Hôm nay là ngày đặc biệt ở nóc ông Phụng, bởi đây là lần đầu tiên họ được nghe tiếng trống trường khai giảng và những đứa trẻ sẽ được học tập trong ngôi trường mới khang trang, do CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng) tài trợ, vừa được khánh thành trước thềm năm học mới.

Lễ khai giảng đơn sơ, không tiết mục văn nghệ, không bục phát biểu, không micro, không hoa... nhưng rất đáng nhớ với cô trò và phụ huynh ở vùng cao Quảng Nam. Ảnh Hoàng Bin

Cô giáo Hạ xúc động: “Có điểm trường mới kiên cố này sẽ đảm bảo an toàn không chỉ việc học mà còn lưu trú cho cô trò trong mùa mưa, không còn cảnh mưa dột, gió lùa, vừa dạy học vừa thấp thỏm như trước. Cơ sở vật chất cũng đầy đủ hơn so với mọi năm. Nói chung là cô trò vui lắm, không thể diễn tả hết được”.

Điểm trường ông Phụng (cũ) nay tận dụng làm phòng ăn, nhà bếp cho trẻ bán trú. Ảnh Hoàng Bin

Nếu như lễ khai giảng ở các trường đồng bằng luôn rộn rã cờ hoa, tiếng nhạc, thì lễ khai giảng ở nóc Ông Phụng diễn ra đơn sơ, không micro, không bục phát biểu, thậm chí cũng chẳng có lẵng hoa nào, chỉ có cô, trò và bà con người Cadong giữa rừng núi cheo leo. Dẫu vậy, vẫn trang trọng, ấm cúng với đầy đủ nghi thức.

Sau lễ chào cờ, cô giáo Thân Thị Hoa (54 tuổi), với 32 năm cắm bản gieo chữ trên các điểm trường ở Trà Dơn, đại diện đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước, diễn văn chào mừng năm học mới và căn dặn học trò…

Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 là lần đầu tiên cô trò ở điểm trường ông Phụng (Trà Dơn, Nam Trà My) được nghe tiếng trống khai giảng - điều tưởng chừng như giản đơn. Ảnh Hoàng Bin

Giọng cô Hoa xúc động: “Đây là lễ khai giảng lịch sử, khi lần đầu tiên nơi đây vang lên tiếng trống trường trong sự tò mò, lạ lẫm của con trẻ. Cô mong, từ nay em nào cũng có đủ sách vở, quần áo, được ăn no, để con đường đến trường sẽ bớt chông chênh, nhọc nhằn hơn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn