MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh học sinh đồng hành cùng con em mình trong học tập online.

Lên núi làm lán "vớt sóng" học online nơi vùng cao Yên Bái

Thu Nhài LDO | 18/03/2022 07:22

Yên Bái - Để đảm bảo việc học trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tăng cao, tại các bản làng vùng sâu, vùng xa của huyện Văn Yên, các em học sinh đã phải lên núi cao, làm lán tạm "vớt sóng" học online.

Leo núi đi tìm sóng, làm lán tạm để học

Trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều trường học trong vùng cam, đỏ trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phải cho học sinh nghỉ học trực tiếp, chuyển sang học online. Tuy nhiên, việc học trực tuyến gây nhiều khó khăn đối với những bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh, nhất là những nơi không có sóng điện thoại.

Đã 2 tuần nay, em Đặng Phúc Tiến (học sinh lớp 7 trường TH&THCS Phong Dụ Hạ, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên) hàng ngày đều phải dậy sớm, cùng bố vượt hơn 10km đường rừng, lên trên đỉnh núi để đến nơi có sóng điện thoại tốt nhất ở bản để học online.

Tâm sự với PV, em Tiến chia sẻ: "Ở bản em không có sóng điện thoại, nên em cùng các bạn mỗi ngày đều phải lên đây để học trực tuyến".

Con đường đến lớp học tạm trên non cao.

Thật vậy, ngày 16.3, theo ghi nhận của PV tại bản Khe Tối, thôn Khe Lầu, xã Phong Dụ Hạ là một bản vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của xã. Nơi này không có sóng điện thoại, đường đi lại vô cùng vất vả với nhiều đồi dốc.

Theo chân các em học sinh từ nhà đến điểm có sóng điện thoại, PV phải vượt qua đoạn đường mòn trong rừng tầm 30 phút, vượt qua các quả đồi cao chót vót để đến được địa điểm mà người dân trong bản cùng nhau làm một cái lán tạm cho con em che mưa, che nắng học hành.

Nói là lán nhưng chỉ làm tạm với vài thanh gỗ, tre được che chắn sơ sài bằng lá cọ, có để sẵn bạt đề phòng ngày mưa gió ở cuối lán. Tại đây, người dân cũng ghép các cây vầu, cây gỗ lại thành bàn, thành ghế giúp cho các em có địa điểm tập trung học tập và các gia đình cũng an tâm để cắt cử người chăm sóc.

Nơi học của học sinh xã Xuân Tầm.

Em Tiến chia sẻ: "Bất kể ngày nắng hay mưa chúng em đều đi cùng bố mẹ lên đây để kịp giờ học, biết đi lại khó khăn nhưng nếu không đi đến đây sẽ không có sóng điện thoại để học. Những hôm trời lạnh quá bố mẹ đốt bếp sưởi để cho chúng em học, những ngày mưa thì các gia đình lại rủ nhau lợp kín lán để tránh rét".

Tuy nhiên, việc kết nối mạng để học online tại đây cũng không hề đơn giản, thi thoảng mạng chập chờn, khiến cho Tiến cũng như các bạn bị “out” ra khỏi lớp là chuyện bình thường, những lúc thế này các em vẫn tỉ mỉ chờ có "sóng" để vào lại lớp học.

Lớp học của tương lai

Đối với học sinh vùng thấp việc học tập trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã khó, với các em học sinh sống ở vùng cao lại khó khăn trăm bề.

Thầy giáo Trần Quốc Hùng – Hiệu trưởng trường TH&THCS xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Ở những xã vùng sâu vùng xa, việc học của các em vốn đã khó khăn, vất vả, có dịch bệnh thì cái khó, cái vất vả đó tăng lên gấp nhiều lần ở những vùng không có sóng điện thoại".

Lán học của các em học sinh xã Phong Dụ Hạ.

Để giúp các em không bỏ cuộc, nhà trường cùng địa phương đã nhiều lần đến từng thôn, bản vận động, động viên các em cố gắng.

Ngoài ra, vận động các bậc phụ huynh cũng tạm gác lại việc nhà, cắt cử nhau trông nom, đôn đốc và giám sát các em trong những ngày học, giờ học trực tuyến.

Chia sẻ với PV, ông Đặng Tòn Trản – Bản Khe Tối, thôn Khe Lầu, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên - Bố của Tiến, cho biết: “Để cho con em mình học được cái chữ, tôi và các phụ huynh khác trong bản đã bàn nhau dựng lán, thay nhau đưa con ra lán để học. Biết các con cũng vất vả vì đường đi lại khó khăn, nhưng cũng không ngừng động viên các cháu cố gắng học tập tốt để thoát cái đói, cái nghèo”.

Không những vượt qua con đường khó khăn, mà các em còn phải chống lại cái thời tiết khắc nhiệt trên đỉnh núi.

Ngoài việc cắt cử từng người chăm lo cuộc sống cho các cháu, các bậc phụ huynh nơi đây cũng phải chắt chiu từng ngày từ khi có dịch để dành tiền mua điện thoại, mua sim 3G giúp các em học online.

Để giúp các em có động lực học tập, bà con trong bản còn đóng góp gạo, thực phẩm thay phiên nhau ở lại các lán trại nấu cơm tại chỗ giúp các em ăn học được bảo đảm.

Mặc dù còn vô vàn khó khăn, nhưng những học sinh dân tộc thiểu số nơi đây vẫn khát khao học tập và nuôi dưỡng ước mơ có một tương lai tươi sáng hơn. Dịch bệnh và những vất vả đời thường ấy không thể cản bước những “bông hoa” đầy sức sống của núi rừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn