MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Lí do hơn 117 nghìn thí sinh trúng tuyển nhưng từ chối vào đại học

trà my LDO | 13/09/2023 06:00

Sau khi kết thúc xét tuyển đại học đợt 1 năm 2023, có hơn 117.000 thí sinh trúng tuyển đại học nhưng từ chối nhập học.

Trúng tuyển nhưng không đi học

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), kết thúc thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh, có trên 660.200 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trực tuyến. Số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống là 612.283, đạt tỉ lệ 92,7%.

Bộ GDĐT cũng cho biết thêm, số thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 trên hệ thống là 494.488 em. So với số thí sinh trúng tuyển đợt 1, tỉ lệ xác nhận nhập học trực tuyến chiếm 80,8%. Điều này có nghĩa trên 117.000 thí sinh (chiếm 19,2%) trúng tuyển đợt 1 không xác nhận nhập học, từ chối quyền trúng tuyển của mình.

Ông Đỗ Đức Linh – Cán bộ Phòng khảo thí và Đảm bảo chất lượng (trường Đại học Hải Phòng) nhìn nhận, tình trạng thí sinh trúng tuyển đại học nhưng từ chối cơ hội đi học không phải là hiện tượng lạ.

Cụ thể, năm 2022, số thí sinh trúng tuyển đợt 1 xấp xỉ 567.500 em - chiếm 91,4% trong số 616.522 thí sinh đăng kí xét tuyển. Trong số 567.500 em trúng tuyển đại học thì chỉ có trên 460 nghìn em đăng kí nhập học.

“Nhiều trường đại học sẽ gặp phải hoàn cảnh dự kiến tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng không phải tất cả thí sinh trúng tuyển đều xác nhận nhập học” – ông Linh cho hay.

Học sinh từ chối học đại học có phải điều bất thường?

Về lý do thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, ông Linh cho rằng: “Có thể do hoàn cảnh, nguyên nhân từ học phí hoặc cũng có thể xét tới trường hợp thí sinh đó “trượt” nguyện vọng đầu tiên và đỗ các nguyện vọng 2, 3,… Vì không đỗ được trường mong muốn nên thí sinh cũng sẽ suy nghĩ không nhập học và cân nhắc đến các lựa chọn khác”.

Bà Nguyễn Hồng Liên – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ cho rằng, có không ít trường hợp thí sinh trúng tuyển nhưng quyết định đi làm.

“Nhiều thí sinh lựa chọn việc đi làm thay vì học đại học. Đặc biệt ở các vùng có điều kiện khó khăn, nhiều em muốn có việc làm luôn với mong muốn kiếm được khoản tiền chỉ sau quãng thời gian ngắn” – bà Liên nói.

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, những năm gần đây, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học chủ yếu rơi vào vùng trung du, miền núi - nơi còn nhiều khó khăn. Những thí sinh không xác nhận nhập học trong thời hạn quy định, nếu không có lý do chính đáng, coi như thí sinh từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận.

Thí sinh đã xác nhận nhập học tại một cơ sở đào tạo không được tham gia xét tuyển ở nơi khác hoặc ở các đợt xét tuyển bổ sung, trừ trường hợp được cơ sở đào tạo cho phép.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn