MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên cấp THCS, THPT sẽ không còn sử dụng sổ dự giờ. Ảnh: Hải Nguyễn

Lí do khiến giáo viên ủng hộ việc bỏ dự giờ, thăm lớp

TRÀ MY LDO | 13/01/2024 07:42

Theo quy định mới, giáo viên không phải bắt buộc thực hiện các hoạt động dự giờ. Không ít thầy cô cho rằng, nên bỏ hẳn hoạt động này hoặc có sự thay đổi để việc dự giờ không mang tính hình thức như hiện nay.

Không còn quy định bắt buộc phải dự giờ

Theo thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 1.11.2020, giáo viên cấp THCS, THPT sẽ không còn phải dự giờ, thăm lớp như trước đây.

Điều 21, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục nêu rõ các hồ sơ giáo viên cần phải có là: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Khác với các thông tư trước đây, giáo viên không còn phải có "Sổ ghi chép dự giờ, thăm lớp".

Hoạt động dự giờ chỉ còn duy trì với giáo viên chủ nhiệm. Tại khoản 2, Điều 29, Điều lệ này cũng nêu rõ việc giáo viên chủ nhiệm sẽ "được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm".

Như vậy, nhìn chung có thể thấy hoạt động dự giờ không còn là một hoạt động giáo dục bắt buộc với các giáo viên THCS, THPT.

Bỏ dự giờ để giảm áp lực cho giáo viên

Đưa ra quan điểm cá nhân về quy định dự giờ của giáo viên hiện nay, cô Hoàng Thị Mai Phương - giáo viên cấp THCS tại Thanh Xuân (Hà Nội) - cho rằng, mỗi giáo viên có sự nhìn nhận khác nhau về việc dự giờ.

Đối với cô Phương, giáo viên này lại mong muốn bỏ hình thức dự giờ trong giảng dạy.

"Giáo viên thường có tâm lí cầu toàn, muốn giờ dạy của mình phải chỉn chu nhất. Tuy nhiên, sự chuẩn bị quá chu đáo của một tiết học sẽ vô tình khiến mọi người có suy nghĩ giáo viên và học sinh đang diễn, không thực chất. Do vậy, bản thân tôi nghĩ việc bỏ dự giờ cũng sẽ tránh sự hình thức, giúp giáo viên và học sinh giảm bớt căng thẳng" - cô Phương thẳng thắn nói.

Cũng theo giáo viên này, hiện nay, không có văn bản nào quy định mỗi giáo viên phải dự giờ bao nhiêu tiết và được dự bao nhiêu tiết, việc này phụ thuộc vào quy định của mỗi trường.

"Nếu nhà trường thấy được vai trò quan trọng của dự giờ đối với các giáo viên trẻ, giáo viên mới ra trường thì vẫn có thể sử dụng việc dự giờ, tuy nhiên không nên quá cứng nhắc.

Thay vào đó, các thầy cô có thể dự giờ qua camera, dự giờ qua internet… nhằm nâng cao chuyên môn. Các tổ trưởng chuyên môn cũng có thể góp ý cho đồng nghiệp của mình, phát hiện những ưu điểm và hạn chế, đưa ra những phương pháp sáng tạo hơn để buổi dự giờ trở nên thoải mái hơn" - cô Phương bày tỏ.

Không chỉ cô Phương, GS.TS Ngô Văn Giá - nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội - cũng nhận định, các trường cần tạo ra những giải pháp phù hợp để thay thế việc dự giờ.

"Theo quan sát của tôi, bỏ dự giờ là một trong số những mong muốn của các giáo viên. Tuy nhiên, nếu các trường đánh giá bất kì tiết dạy nào theo mong muốn của giáo viên và đưa ra những đóng góp mang tính xây dựng có lẽ sẽ đảm bảo được mục tiêu tích cực của hoạt động dự giờ" - GS.TS Ngô Văn Giá nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn