MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Lí do Ngoại ngữ không còn là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc

Vân Trang LDO | 29/11/2023 20:48

Từ kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Ngoại ngữ không phải là môn bắt buộc.

Chốt phương án 2+2

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, phương án được lựa chọn là 2+2, tức là thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, trong 3 phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được lấy ý kiến, phương án nào cũng có ưu điểm và hạn chế, không có phương án nào đạt tỉ lệ tuyệt đối 100%.

Phương án được đưa ra có sự đồng thuận cao nhất, thoả mãn nhiều yếu tố, được các cấp, cách ngành thẩm định, do Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực và có ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: Bộ GDĐT

"Đưa ra phương án 2+2 để giáo viên, học sinh yên tâm tổ chức dạy và học. Phương án này hướng tới lợi ích học sinh, vì giáo viên, vì nhà trường. Tạo ra rất nhiều tổ hợp, học sinh nào nhận thấy mình có thế mạnh, ưu điểm vượt trội ở bộ môn, tổ hợp các em có thể rộng đường lựa chọn. Môn nào cũng được tổ chức dạy học và thi chỉ khác nhau giữa lựa chọn hay bắt buộc và có đánh giá hay không. Chúng ta hướng tới nền giáo dục thực học thực tiễn, không phải học để đối phó và học chỉ để thi" - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.

Lí do Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc

Thời gian qua, Báo Lao Động đã loạt bài ghi nhận ý kiến học sinh, giáo viên, phụ huynh về phương án thi tốt nghiệp THPT. Nhiều ý ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại. Lí do là phương án này gọn nhẹ, giúp giảm chi phí, tạo điều kiện giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Song, bên cạnh đó, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn, việc Ngoại ngữ không phải là môn thi tốt nghiệp THPT có làm giảm chất lượng dạy và học môn này, đi ngược lại với xu hướng trên thế giới.

GS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục quản lí chất lượng, Bộ GDĐT. Ảnh: Bộ GDĐT

Về vấn đề này, tại họp báo công bố phương án tổ chức kì thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 diễn ra chiều 29.11, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lí chất lượng, Bộ GDĐT cho biết, nếu tổ chức thi ngoại ngữ, không chỉ riêng môn tiếng Anh mà tới 7 môn ngoại ngữ. Tiếng Anh là 1 trong các môn ngoại ngữ các trường THPT đang chọn để học.

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc. Không phải là môn thi bắt buộc không có nghĩa thí sinh không được thi. Các em hoàn toàn được quyền thi môn đó theo sự lựa chọn trong quá trình học và thi.

Lí giải về việc Ngoại ngữ không còn là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc từ năm 2025, ông Chương cho rằng, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 và đến hết bậc THPT. Như vậy, trong suốt quá trình từ lớp 3 - 12, các em học sinh đều được học, kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ.

Ông Chương đánh giá, đây là nền tảng quan trọng nhất, cải tiến, nâng cao năng lực phẩm chất, chất lượng ngoại ngữ. Lên đến bậc đại học, các trường hiện nay đều yêu cầu sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra Ngoại ngữ tối thiểu. Như vậy, đối với việc học và dạy Ngoại ngữ, Bộ GDĐT rất quan tâm, lồng ghép vào các chuẩn đầu ra của các bậc học, có cả sinh viên.

"Không thể nói 1 kì thi ảnh hưởng đến chất lượng, quá trình dạy và học. Chúng tôi quan điểm quá trình dạy học là quá trình xuyên suốt, các em được quyền chọn môn thi để phù hợp trong tương lai, nghề nghiệp" - GS Chương nói.

Về đề thi môn Ngoại ngữ nói chung và Tiếng Anh nói riêng, GS Huỳnh Văn Chương cho rằng, ở bài thi viết hiện nay, mới chỉ đáp ứng việc kiểm tra, đánh giá 1 kỹ năng. Trong khi đó, Ngoại ngữ cần cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

"Cần có điều kiện để quá trình dạy và học phù hợp hơn. Mong muốn, trong thời gian tới, lãnh đạo Cục sẽ tham mưu cho Bộ GDĐT, xây dựng ngân hàng đề thi. Chúng ta phải đặt ra hai điều kiện ra ngân hàng đề và hình thành đội ngũ xây dựng ngân hàng đề thi" - ông Chương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn