MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Minh Hà

Lí do xuất hiện phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông với 2 môn bắt buộc

trà my LDO | 07/10/2023 07:06

Một số giáo viên cho rằng, từ kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn sẽ giúp giảm chi phí, gánh nặng cho người học.

Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hiện đang tích cực hoàn thiện phương án thi với phương châm: Đổi mới nhưng có kế thừa, tiếp thu. Đồng thời, gọn nhẹ, không căng thẳng, áp lực, không gây tốn kém.

Ngoài 2 phương án thi 4 môn bắt buộc hoặc 3 môn bắt buộc, sau khi khảo sát một số địa phương trên cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề xuất thêm phương án 2+2 - tức thí sinh học chương trình THPT phải thi 4 môn, gồm: 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử).

Phương án trên cũng là một trong số các phương án cô Phan Thị Sương - giáo viên Trường Tiểu học - THCS - THPT Albert Einstein (TPHCM) đánh giá cao bởi phương án này có nhiều mặt thuận lợi nhất cho các em học sinh hiện nay.

“Có thể thấy, khối lượng kiến thức trong chương trình học của các em ngày càng nhiều. Để giảm bớt áp lực cho học sinh, phụ huynh thì tôi hoàn toàn ủng hộ phương án này” - cô Sương chia sẻ.

Cô Sương cũng cho biết thêm, khi học sinh thi 4 môn cả bắt buộc lẫn tự chọn, số buổi thi sẽ còn 3 buổi - giảm 1 buổi so với số buổi thi hiện nay.

“Giảm 1 buổi thi cũng sẽ giúp cho xã hội giảm tải được rất nhiều chi phí. Từ khâu in ấn đề thi cho đến những việc như phải đưa đón thí sinh đi lại cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều” - cô Sương nói.

Trước 3 đề xuất thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thầy Ngô Trường Minh - giáo viên Trường THPT Kiến Thuỵ (Hải Phòng) cho rằng, ở mỗi phương án đều có ưu điểm và một số hạn chế riêng.

“Phương án 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn sẽ giúp thí sinh có nhiều sự lựa chọn để phát huy thế mạnh của bản thân. Tuy nhiên công tác tổ chức số buổi thi nhiều hơn, gây tốn kém về nguồn lực con người và tài chính.

Đối với phương án thi 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn về mặt ưu điểm cũng như phương án 4+2, tuy nhiên có thể nhìn ra được số phận môn Lịch sử sẽ trở nên bế tắc khi đại đa số học sinh thường né môn học này.

Còn về phương án thi 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn, phương án này nhìn chung sẽ không gây ra gánh nặng về thời gian hay tiền bạc cho học sinh. Đồng thời, vẫn giữ được sự cân bằng tổ hợp tuyển sinh, không bị chênh lệch quá giữa tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội” - thầy Minh phân tích.

Theo quan điểm của thầy Minh, phương án thứ 3 có nhiều ưu điểm. Bản thân thầy cũng nghiêng về phương án này nhưng hiện tại vẫn phải chờ vào thông báo chính thức của Bộ.

“Tôi ủng hộ phương án thi hai môn Toán và Ngữ văn bắt buộc. Còn 2 môn tự chọn sẽ phụ thược vào nhu cầu và sở thích của học sinh. Tuy nhiên, nếu ý kiến số đông quyết định thì chúng ta vẫn phải thực hiện theo” - thầy Minh cho biết.

Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 môn thi, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn