MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Linh hoạt điều chỉnh bàn ghế phù hợp cho học sinh, phòng cong vẹo cột sống

PHONG LINH LDO | 15/11/2023 16:12

Điều kiện dinh dưỡng và tập luyện thể chất đầy đủ giúp học sinh phát triển tốt về thể hình, do đó, việc linh hoạt điều chỉnh bàn ghế trong trường học cho phù hợp là rất cần thiết.

Theo Thông tư liên tịch số 26 quy định bàn ghế học sinh được chia thành 6 cỡ số cho học sinh có chiều cao từ 100cm đến 175cm. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế phát triển, trẻ em được nuôi dưỡng tốt, thể trạng phát triển vượt bậc.

Ghi nhận của phóng viên tại Trường Tiểu học Cái Khế 1 (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có những học sinh cao vượt trội. Thầy Lê Nguyên Chương, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Mặc dù đều là học sinh lớp 1 nhưng các em có chiều cao trung bình khoảng 1,2 - 1,3m, vượt trội so với kích thước bàn học hiện tại. Kích thước bàn ghế không đáp ứng được tầm vóc khiến cho các em phải gù lưng viết bài.

Một buổi học tại Trường Tiểu học Cái Khế 1 (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh: Phong Linh

Bàn về giải pháp tạm thời, thầy Chương cho hay: Nhà trường sử dụng 2 loại bàn cao, bàn thấp và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm linh hoạt bố trí, thay đổi loại bàn ghế phù hợp với tầm vóc của từng em. "Trong thời gian tới, để đồng bộ tiêu chuẩn bàn học phù hợp với tầm vóc của học sinh, nhà trường kiến nghị hỗ trợ bố trí lại bàn ghế phù hợp với độ tuổi của học sinh”, ông Chương thông tin.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ - nhận định: Vấn đề này đang cho thấy nhiều hạn chế mà chưa khắc phục được.

“Chúng ta cần điều chỉnh lại tiêu chuẩn bàn ghế học sinh, đặc biệt là phải làm sao có thể điều chỉnh được độ cao phù hợp với từng em học sinh. Trong một lớp dùng chung một loại bàn ghế thì cũng không ổn”, ông Nhân nói.

Nhận định về bệnh lý cong vẹo cột sống, bác sĩ Phan Trọng Hậu (Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: Bệnh cong vẹo cột sống hiện đang trẻ hóa và có xu hướng bắt đầu từ độ tuổi dậy thì. Do đó, việc sớm thay đổi lối sống sinh hoạt, tư thế cũng như phát hiện và điều trị sớm bệnh lý này sẽ mang lại hiệu quả tích cực.

"Học tập, làm việc, đi đứng, ngồi không đúng tư thế cũng ảnh hưởng đến cột sống. Do đó, đối với người trẻ, đặc biệt là học sinh ở vùng sâu vùng xa, chúng ta cần đặc biệt quan tâm bệnh lý này. Nếu có những thay đổi phù hợp, phát hiện sớm, điều trị sớm sẽ giúp các em bớt thiệt thòi cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", bác sĩ Hậu thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn