MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS Nguyễn Ngọc Châu phát biểu tại Hội thảo nâng cao chuẩn xét GS, PGS ở Việt Nam do Tạp chí Tia Sáng tổ chức. Ảnh: NVCC

Lo ngại chất lượng đào tạo tiến sĩ trong tương lai

Thiều Trang LDO | 17/07/2021 16:30
Nhận định quy chế mới về chuẩn trình độ tiến sĩ mà Bộ GDĐT vừa ban hành là một bước thụt lùi trong việc tiếp cận đào tạo tiến sĩ chuẩn quốc tế, GS Nguyễn Ngọc Châu - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - người đang trực tiếp đào tạo tiến sĩ cho Học viện Khoa học và Công nghệ - Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thẳng thắn bày tỏ sự lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sĩ trong tương lai.

Bước thụt lùi trong việc tiếp cận chuẩn mực quốc tế

GS đánh giá như thế nào về Quy chế đào tạo tiến sĩ theo Thông tư 18/2021 thay thế cho Thông tư 08/2017 mà Bộ GDĐT vừa công bố?

- Theo tôi, Quy chế đào tạo tiến sĩ mới là một bước thụt lùi trong việc tiếp cận chuẩn quốc tế. Theo đó, quy định mới của Thông tư 18/BGD-ĐT đều thấp hơn so với yêu cầu cũ và càng xa rời các chuẩn mực quốc tế.

Dù Bộ GDĐT có lý giải “Quy chế 18 đề cao tự chủ học thuật, vai trò của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là đơn vị chuyên môn và cộng đồng khoa học” cũng hoàn toàn không thuyết phục vì một khi cơ quan quản lý cao nhất là Bộ GDĐT đã ban hành các chuẩn đầu vào – đầu ra cho toàn bộ hệ thống thì các cơ sở giáo dục của toàn ngành GDĐT trong đó có nghiên cứu sinh, người hướng dẫn là những người thừa hành. Dù có tự chủ bao nhiêu cũng không thể vượt qua các quy định đã thành luật.

Vì vậy, Thông tư 2021 thực chất là một bước “hạ chuẩn” có lợi cho những cơ sở giáo dục tiếp tục vận hành những “lò ấp” tiến sĩ dưới chuẩn, gây hậu quả khôn lường và làm chậm sự phát triển của KHCN, GDĐT.

Tại sao GS lại cho rằng quy chế mới về đào tạo tiến sĩ của Bộ GDĐT đang “hạ chuẩn”?

- Thông tư 08 yêu cầu nghiên cứu sinh công bố tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí Science Citation Index Expanded (SCIE) hoặc Scopus.

Các bài báo SCIE hoặc Scopus này có thể thay thế bằng 2 báo cáo tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

Còn theo Quy chế mới, các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục SCIE/Scopus hoặc bài đăng ở hội thảo quốc tế không còn là điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp với nghiên cứu sinh nữa. Thay vào đó là chấp nhận công bố trên các tạp chí trong nước có chất lượng tốt đối với người hướng dẫn và nghiên cứu sinh.

Theo tôi, như vậy, quy chế mới đã “hạ chuẩn” và kéo lùi quá trình hội nhập quốc tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho xã hôi.

Việc đào tạo tiến sĩ trong tương lai sẽ khó đạt chất lượng

Có ý kiến cho rằng, quy chế mới đã một lần nữa cấp “giấy thông hành” cho việc đào tạo tiến sĩ không đảm bảo chất lượng, GS có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Quy chế cũ đã phần nào dẹp bỏ được vấn nạn về các “lò ấp” tiến sĩ rởm vì yêu cầu nghiên cứu sinh và người hướng dẫn phải có bài báo đăng tạp chí SCIE hoặc Scopus. Theo tôi đó là điểm thành công, mang lại nhiều thành tựu trong công bố quốc tế cho các ngành khoa học Việt Nam.

Tuy nhiên, quy chế mới lại không phân rõ ranh giới giữa những người có công bố quốc tế và những người không có công bố quốc tế. Hơn nữa, quy chế đào tạo tiến sĩ mới còn cho phép người hướng dẫn không cần có công bố quốc tế, chỉ cần có 2 công bố trong các tạp chí trong nước loại trung bình.

Như vậy, quy định mới đã “rút” cả tiêu chuẩn làm thầy thì việc đào tạo tiến sĩ trong tương lai sẽ khó đạt chất lượng.

Nhiều ý kiến cho rằng, tiêu chuẩn đầu vào đối với người dự tuyển về ngoại ngữ trong quy chế 2021 quá thấp, GS có quan điểm gì về vấn đề này?

Việc cho phép ứng viên có chứng chỉ ngoại ngữ bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được dự tuyển, thay vì chỉ chấp nhận chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL cũng khá bất cập.

Có đến 80% tài liệu, công trình nghiên cứu, bài báo đăng tải trên SCIE đều bằng tiếng Anh. Hiện nay tiếng Anh đã trở thành phương tiện giao tiếp và truyền bá khoa học trên toàn thế giới, ngay cả các nhà khoa học người Đức, Pháp, Nga, Nhật, Hàn…cũng sử dụng tiếng Anh để trình bày các vấn đề khoa học công nghệ trên các diễn dàn, hội nghị hội thảo quốc tế cũng như trong các giao tiếp giữa các nhà khoa học.

Qua thực tiễn nhiều năm tham gia đào tạo nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế, GS rút ra kinh nghiệm gì để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, hướng đến học thật, thi thật, nghiên cứu thật?

Không có con đường nào khác ngoài việc tiếp cận và áp dụng các chuẩn mực quốc tế, trong đó việc nghiên cứu sinh phải có bài báo công bố trên các tạp chí SCIE/Scopus, ắt cả hệ thống đào tạo tiến sĩ phải tìm cách để khẳng định đẳng cấp của mình.

Bước đầu yêu cầu một bài quốc tế uy tín, một bài quốc gia tiến tới cao hơn yêu cầu quốc tế. Hiện nay khá nhiều tạp chí uy tín của Việt Nam đã lọt vào danh sách SCIE/Scopus, có nghĩa là đã trở thành những tạp chí quốc tế uy tín mà nghiên cứu sinh và nhà khoa học có thể lựa chọn cho các công bố của mình.

Ngoài ra, theo tôi cần có thêm yêu cầu cho thầy là phải có đề tài nghiên cứu, trong đó có phần kinh phí dành cho đào tạo nghiên cứu sinh. Đây cũng là cách làm quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh mà Quỹ Nafosted đang áp dụng và được cộng đồng khoa học ủng hộ.

Cảm ơn những chia sẻ của GS!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn