MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những ngôi trường “quốc tế” tại Đà Nẵng liên tục vấp phải các vấn đề về pháp lý và thoả thuận với phụ huynh về các khoản thu. Ảnh: PV

Loạn trường quốc tế tại Đà Nẵng

THUỲ TRANG LDO | 25/09/2019 06:22

Tại Đà Nẵng, những ồn ào vừa xảy ra tại các ngôi trường có học phí hàng trăm triệu đồng nhưng hoá ra “quốc tế” chỉ là mác tự xưng.

Chưa đủ phép đã dạy

Sự việc Trường St.Nicholas Đà Nẵng vừa bị yêu cầu dừng hoạt động và có phương án di dời học sinh khiến dư luận giật mình về câu chuyện trường “quốc tế”.

Theo Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, việc hình thành Trường tiểu học, THCS và THPT St.Nicholas (Trường St.Nicholas) tại quận Cẩm Lệ không đúng quy hoạch, quy chuẩn xây dựng và giấy phép xây dựng được cấp. Trước đây, công trình này được cấp phép để xây văn phòng với quy mô một tầng hầm và 9 tầng nổi. Nhưng sau đó, nơi này lại trở thành trường “quốc tế” với quy mô một tầng hầm và 4-5 tầng nổi. Đáng nói, Trường St.Nicholas do Cty CP Đầu tư giáo dục Mudd Harvey Việt Nam làm chủ đầu tư, đã tuyển sinh và đi vào hoạt động từ năm học 2018-2019. Vì vậy, sau quyết định của UBND thành phố, hàng nghìn học sinh bị ảnh hưởng khi năm học mới chỉ vừa bắt đầu.

Trước đó, một sự việc ồn ào khác về trường “quốc tế” tại Đà Nẵng là cuối 8.2019, ông N.V.T (có con theo học Trường quốc tế Singapore, chi nhánh Đà Nẵng) đã có đơn kiện Cty CP Kinderworld Vietnam - đơn vị đầu tư và quản lý Trường quốc tế Singapore. Bởi đơn vị này đã ngưng cung cấp dịch vụ giảng dạy đột ngột, buộc ông phải chuyển trường cho con khi chỉ còn 1 tuần nữa là vào năm học mới.

Ông T cho biết, tháng 7.2019, ông là một trong các phụ huynh từng lên tiếng phản ứng về khoản thu “phí đặt cọc” do Cty này đặt ra. “Phí đặt cọc này không nằm trong quy định về phí, nhà trường nói là thoả thuận dân sự nhưng phụ huynh chúng tôi chưa từng có một cuộc họp nào với nhà trường trước đó để trao đổi. Tuy vậy, để con được đi học, chúng tôi vẫn đóng loại phí này và yêu cầu nhà trường phải giải thích rõ. Thế nhưng, khi đôi bên vẫn chưa có kết luận chung gì thì gia đình nhận được quyết định ngưng cung cấp dịch vụ học tập với con tôi. Như vậy khác nào nhà trường đuổi học khi cháu chỉ còn 1 tuần nữa là vào năm học mới, đó là hành động phi giáo dục!” - ông T chia sẻ.

Được biết, không riêng gì con của ông T, một học sinh khác tại trường này cũng bị nhà trường “ngừng cung cấp dịch vụ” và buộc chuyển trường.

Hoang mang với mác “quốc tế”

Trước sự việc Trường St. Nicholas bị yêu cầu dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn học sinh tại đây, UBND TP.Đà Nẵng đề nghị chủ đầu tư có báo cáo tổng thể, cũng như đề xuất các phương án xử lý cụ thể (trước ngày 24.9.2019) để UBND thành phố xem xét, quyết định trên cơ sở đề xuất của các ngành, địa phương nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của học sinh và giáo viên trường. Thành phố cũng đang tạo điều kiện để chủ đầu tư tìm địa điểm mới.

Tuy nhiên, một lần nữa, vấn đề danh xưng “quốc tế” lại gây hoang mang trong dư luận. Bởi, ngoài việc sử dụng công trình không đúng quy định thì trên website Trường Tiểu học, THCS và THPT St.Nicholas và các trang quảng bá thông tin, trường này tự xưng là Trường quốc tế St.Nicholas.

Đáng nói, không riêng gì Trường “quốc tế” St.Nicholas, Trường “quốc tế” Singapore, thời gian gần đây, nhiều ngôi trường tại Đà Nẵng cũng tự xưng là “quốc tế”. Tuy nhiên, Sở GDĐT Đà Nẵng khẳng định, chưa có một trường quốc tế nào tại thành phố này. Theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có 3 loại hình trường là trường công lập, trường tư thục và trường dân lập. Trong đó, có loại hình trường tư thục có vốn đầu tư nước ngoài. “Nếu trường nào tự xưng “quốc tế” trong giao dịch là trái với quy định” - Sở GDĐT Đà Nẵng cho hay.

Được biết, sau những ồn ào về các trường “quốc tế”, Đà Nẵng đang tiếp tục rà soát lại các trường trên địa bàn thành phố để chấn chỉnh lại theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn