MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc rèn kỹ năng tập viết cho học sinh lớp 1 cần thực hiện bài bản, khoa học. Ảnh minh họa.

Lợi bất cập hại khi học sinh tiểu học dùng bút mực xóa được

PHAN NỮ LA GIANG LDO | 21/09/2023 07:30

Hiện nay, nhiều học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1 đã sử dụng loại bút mực xoá được để viết chữ. Đây là việc làm gây nhiều tác hại cho trẻ.

Tạo tâm lý chủ quan cho trẻ

Hiện nay, một số phụ huynh có con học lớp 1 cho con sử dụng loại bút mực có thể xóa được để tập viết chữ. Họ cho rằng đây là công nghệ mới, tiện dụng, giúp trẻ có vở sạch chữ đẹp. Tuy nhiên, việc làm nói trên lợi bất cập hại.

Khi dùng bút mực xóa được để viết chữ, trẻ sẽ không còn chú tâm vào viết chữ nữa. Ngược lại trẻ sẽ có thái độ chủ quan, vì viết sai là có thể tẩy xóa. Trẻ sẽ coi thường những lỗi sai mà mình gây ra vì cho rằng mọi thứ đều có thể sửa dễ dàng, nhanh chóng.

Vì thế, trẻ sẽ không còn kiên nhẫn để tập luyện mà sẽ muốn tẩy xoá, sửa nhanh những lỗi sai, nghĩa là không lắng nghe lời cô giáo giảng bài. Mặc dù vở thì có sạch hơn nhưng chất lượng học tập sẽ giảm xuống tới mức đáng lo ngại.

Vì vậy, các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh không nên cho học sinh tiểu học dùng “Bút mực xoá được” để viết chữ. Đây cũng là cách dạy trẻ biết chịu trách nhiệm về những việc bản thân làm ngay từ những ngày còn thơ ấu. Theo các chuyên gia giáo dục, khi trẻ tập viết nên cho các em sử dụng bút chì.

Vì sao trẻ tập viết phải dùng bút chì?

Học sinh lớp 1 là đối tượng học sinh đặc biệt nhất trong các đối tượng học sinh của hệ thống giáo dục quốc dân. Đặc biệt là bởi vì lần đầu tiên trong đời, hoạt động học tập là hoạt động chủ đạo của các em. Và trong hoạt động học tập đó cái gì các em cũng bắt đầu phải tập, trong đó hoạt động tập viết cùng với các hoạt động nghe, nói, đọc đóng vai trò hết sức quan trọng.

Đây là lần đầu tiên các em được cầm bút để tập viết những nét chữ, con chữ theo quy trình. Vì vậy, khi cầm bút, bàn tay, cổ tay và các ngón tay của các em đang còn vụng về.

Lúc viết, nhiều em đè mạnh làm rách cả tờ giấy, chỗ cầm bút có em cầm thấp, có em cầm cao, viết chưa ưng ý lại tẩy để viết lại… Và công cụ tập viết hữu hiệu nhất theo đúng tâm lý và hành động của các em chính là bút chì.

Khi dùng bút chì, chỗ trên điểm gọt bút chính là chỗ để các em cầm bút viết, nếu các em cầm bút thấp hơn hoặc cao hơn điểm gọt bút sẽ dẫn đến khó viết và viết chậm. Ngòi bút chì mềm nên nếu các em đè mạnh thì ngòi bút sẽ bị gãy.

Sau một vài lần ngòi bút bị gãy, các em sẽ rút kinh nghiệm và không đè mạnh nữa. Điều nữa là phía trên của mỗi chiếc bút chì người ta gắn một cục tẩy để giúp học sinh khi viết sai có thể tẩy để viết lại.

Khi nào thì học sinh được viết bút mực?

Trong sách giáo khoa Tiếng Việt 2 (Chương trình năm 2000) có bài tập đọc “Chiếc bút mực” rất ý nghĩa. Bên cạnh giáo dục học sinh có ý thức giúp đỡ bạn bè, thể hiện sự quan tâm, yêu thương của cô giáo đối với học sinh, bài tập đọc còn là bài học về khoa học giáo dục trong việc hướng dẫn học sinh dùng bút viết thông qua chi tiết “Cả lớp đã được viết bút mực, duy chỉ có Mai và Lan vẫn phải viết bút chì”.

Như vậy, việc học sinh “được viết bút mực” không phải là đồng loạt, không phải hôm nay cả lớp đang viết bút chì, ngày mai cả lớp được viết bút mực.

Khi các em đã viết đúng, viết đẹp, tay đưa nét đã mềm mại, không còn gãy ngòi bút chì, viết được cỡ chữ nhỏ bằng bút chì thì lúc đó các em được viết bút mực. Và để thực hiện được điều này không phải đồng loạt tất cả học sinh đều làm được mà sẽ có những em thực hiện được sớm hơn và có những em thực hiện được muộn hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn