MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hà Nội) bức xúc trước những khoản thu của nhà trường đầu năm học mới. Ảnh: Nguyễn Hà

Lợi dụng danh nghĩa hội phụ huynh: Làm thế nào để ngăn chặn lạm thu núp bóng xã hội hoá?

Nguyễn Hà LDO | 28/09/2018 14:28

Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 18.9 được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng lạm thu, lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để đặt ra các khoản thu áp đặt, cào bằng gây bức xúc dư luận.

Nhiều chuyên gia hoan nghênh mục tiêu và tinh thần của thông tư này trước hàng loạt những vụ việc lạm thu xảy ra trong thời gian qua.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương chưa hiểu đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục dẫn tới triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa tài trợ với cơ sở giáo dục. Đây cũng là lý do dẫn tới tình trạng một số nơi, đặc biệt là người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lợi dụng hội cha mẹ học sinh, áp đặt cào bằng để thu tiền.

Ranh giới xã hội hóa và lạm thu rất mong manh

PGS.TS Bùi Thị An (nguyên Đại biểu Quốc hội) đánh giá xã hội hóa trong giáo dục là rất quan trọng, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa, các vùng khó khăn thì nên vận động xã hội hóa để đầu tư thêm cho giáo dục để các em học sinh có điều kiện đến trường, học tập.

Việc thu chi không đúng quy định khiến nhiều phụ huynh bức xúc tập trung tại Trường tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) để phản đối. Ảnh: Nguyễn Hà 

Theo bà An, ranh giới giữa xã hội hóa và lạm thu rất mong manh, không rõ ràng và vấn đề này chỉ các thầy cô trong ban giám hiệu nhà trường mới biết và quyết định được. Trường nào thầy cô có tâm với học sinh thì phân định rạch ròi thế nào là lạm thu và thế nào là xã hội hóa thực sự để có hành động phù hợp.

Xã hội hóa thực sự cần thiết, nhất là trong bối cảnh 4.0 như hiện nay nhưng ở nhiều trường, ban đại diện cha mẹ học sinh hầu như là những gia đình có điều kiện đóng góp khiến nhiều phụ huynh khác dù không muốn, không có điều kiện cũng phải đi vay để nộp nếu không con cái họ bị thiệt thòi, ảnh hưởng.

Bà An cho rằng, các ban đại diện cha mẹ học sinh cũng nên phải xem mức sống chung của các em học sinh trong lớp, không phải ai cũng như ai, có những gia đình rất khó khăn nên quyết định như thế nào, làm gì phải xuất phát từ tâm hướng đến tất cả phụ huynh.

“Đừng lợi dụng chữ xã hội hóa để huy động tiền của phụ huynh, học sinh để làm những điều chưa cần thiết so với mức sống hiện nay” – bà An nói.

Thông tư tốt còn do người thực hiện

Đánh giá về thông tư 16/2018/TT-BGDĐT, bà An cho rằng thông tư tốt nhưng vấn đề còn nằm ở chỗ người thực hiện phải có tâm và thực sự vì học sinh, bà An cho rằng khi ra thông tư cũng cần có thêm tiêu chuẩn định mức cho từng vùng, từng trường, từng mức sống nếu không sẽ rất khó để có thể triệt tiêu được câu chuyện lạm thu.

Bà An cho rằng thông tư tốt nhưng vấn đề còn nằm ở chỗ người thực hiện phải có tâm và thực sự vì học sinh. Ảnh minh họa: Nguyễn Hà

“Thu 1.000 đồng có thể không phải lạm thu với Hà Nội nhưng so với vùng khác lại là lạm thu, do đó nên chăng các thành phố, địa phương phải có sự nghiên cứu để thực hiện thông tư này hiệu quả, sát thực tiễn, làm hài lòng tất cả các phụ huynh” – bà An khẳng định.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, trước hết chúng ta phải hoan nghênh việc Bộ GDĐT đưa vấn đề này vào thông tư để tránh tình trạng lạm thu trong nhà trường, đây là vấn đề rất tốt và kịp thời.

Tuy nhiên chúng ta phải nhắc nhở các địa phương để kiểm soát được vấn đề đó và có cơ chế thu nhận những phản ánh của người dân. Đồng thời phải kỷ luật những hiệu trưởng để xảy ra tình trạng lạm thu, tập trung trách nhiệm cho hiệu trưởng, tất cả mọi chuyện xảy ra trong nhà trường đều do hiệu trưởng không chỉ đạo đúng.

Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc. Các cơ sở không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn