MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hứa sẽ giả gánh nặng sổ sách cho giáo viên.

Lời hứa giảm gánh nặng sổ sách, thi đua cho giáo viên

Đặng Chung LDO | 10/01/2019 14:35

Một trong những việc ngành giáo dục kiên quyết thực hiện từ năm 2019 để giảm áp lực, tạo động lực cho giáo viên là giảm gánh nặng sổ sách, các cuộc thi nhà giáo, thi đua không cần thiết. Đây là lời hứa với 1,2 triệu giáo viên trên cả nước của tư lệnh ngành giáo dục.

Phát biểu tổng kết tại hội nghị trực tuyến về triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào chiều 9.1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ đã có những chỉ đạo giúp giáo viên cả nước “cởi trói”.

Bộ trưởng đề nghị địa phương và các bộ ban ngành liên quan chung tay giải quyết áp lực thi đua cho các trường; có chính sách lương bổng để nhà giáo yên tâm làm tốt công việc. Thời đại 4.0 không thể để xảy ra việc giáo viên phải soạn giáo án bằng tay, làm quá nhiều sổ sách, giấy tờ. Các trường phải ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, để giảm áp lực cho giáo viên.

Tư lệnh ngành giáo dục đưa ra lời hứa với giáo viên cả nước: "Việc đầu tiên nhằm giảm áp lực cho đội ngũ là giảm gánh nặng thủ tục hành chính, sổ sách, cắt giảm những thủ tục không cần thiết; rà soát đăng ký thi đua trên cơ sở thiết thực.

Việc này không chỉ Bộ làm được mà cần có sự chỉ đạo của lãnh đạo địa phương tới các đơn vị chức năng, cơ sở giáo dục trên địa bàn. Tới đây sẽ làm kiên quyết, có chế tài kiểm tra, thanh tra, để các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tăng cường kỹ năng quản trị nhà trường, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường giáo dục thân thiện, đổi mới, tránh gây bức xúc, dồn nén cho thầy cô".

Ngoài gánh nặng sổ sách, việc dự giờ thăm lớp quá nhiều hiện nay cũng khiến thầy cô áp lực. (Ảnh minh họa: Sở GD Bắc Giang)

Trước khi Bộ trưởng đưa ra lời hứa này, cô Hoàng Thị Thu Hiền (một giáo viên dạy cấp THPT tại TPHCM) từng gửi “tâm thư” cho Bộ trưởng để thỉnh cầu 8 điều, trong đó có việc “hãy đánh giá giáo viên ở phương pháp làm việc giỏi, chứ không phải ghi chép giỏi như kiểu thi vở sạch chữ đẹp”.

Theo cô Hiền, nhiều năm qua giáo viên ngoài công việc chính là giảng dạy phải thực hiện quá trình sổ sách, giấy tờ theo kiểu 'hành là chính'. Ví dụ như sổ báo giảng, sổ tự bồi dưỡng, sổ ghi chép... Hàng năm, tất cả các giáo viên đều phải trải qua kiểm tra giáo án, kể cả giáo viên mới ra trường và giáo viên sắp về hưu.

Cô Lại Phương Thảo (đại diện một trường mần non ở Hà Nội) thì ví những quy định bắt giáo viên phải chép tay sổ sách, giấy tờ hành chính chẳng khác gì “học sinh chép phạt” Nó lấy đi nhiều thời gian, công sức và gây áp lực cho giáo viên.

Trước thông tin năm 2019, Bộ trưởng Bộ GDĐT sẽ tập trung rà soát để cắt bỏ hết những quy định khiến thầy cô áp lực,  nhiều giáo viên bày tỏ vui mừng.

 Trên các diễn đàn dành cho giáo viên, thầy cô liệt kê ra hàng loạt  quy định gây áp lực và mong được xem xét cắt giảm, bãi bỏ.

Những giờ qua, trên các diễn đàn dành cho nhà giáo, các thầy cô mong điều này sớm thành hiện thực. Thậm chí có giáo viên còn liệt kê ra hàng loạt những thủ tục, quy định hành chính, thi đua gây phiền hà cho giáo viên như: Sáng kiến kinh nghiệm, ép giáo viên đi thu tiền, lấy tiêu chí học sinh khá giỏi để thi đua… Giáo viên mong Bộ trưởng giữ lời hứa, sớm “cởi trói” để giáo viên chuyên tâm vào công tác chuyên môn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn