MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyển sinh của Trường Đại học Quảng Bình ngày càng khó khăn. Ảnh: Trà My

Lối ra nào cho trường đại học địa phương?

Văn My LDO | 15/01/2024 10:30

Nhìn từ bức tranh tuyển sinh trong thời gian qua cho thấy, các trường đại học ở địa phương đang gặp khó khăn trong tuyển sinh. Việc này ảnh hưởng tới chiến lược phát triển của nhà trường cũng như thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức, người lao động.

Khó khăn trong tuyển sinh

Sau thời gian thành lập ồ ạt, vài năm gần đây không ít trường đại học rơi vào cảnh không tuyển sinh được và lay lắt tồn tại. Thực trạng này lại tập trung nhiều tại các trường ở địa phương.

Đầu năm 2024, hơn 100 giảng viên Trường Đại học Quảng Bình kêu cứu vì bị trường nợ lương ròng rã 8 tháng trong năm 2023.

Theo tìm hiểu của Báo Lao Động, Trường Đại học Quảng Bình hiện là cơ sở đào tạo trình độ đại học duy nhất tại Quảng Bình. Trường có 236 viên chức và người lao động, trong đó có 154 giảng viên và 82 viên chức làm công tác hành chính, nhân viên phục vụ. Trong tổng số 236 viên chức và người lao động, có 99 viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, 137 viên chức và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách tự trang trải của nhà trường.

Có thời điểm trường tuyển sinh được 10.000 sinh viên. Tuy nhiên, những năm gần đây công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, năm học 2023-2024 nhà trường chỉ tuyển được hơn 300 sinh viên; hiện nay toàn trường chỉ có hơn 1.000 sinh viên mà phần lớn là sinh viên ngành sư phạm; sinh viên trong diện nộp học phí chưa đến 400 sinh viên nên nguồn thu của nhà trường rất ít. Trong khi đó, số giảng viên dôi dư nhiều nên không thể đủ tiền chi trả.

Không riêng Trường Đại học Quảng Bình, trao đổi với Báo Lao Động, TS Trương Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định - cho biết, hoạt động tuyển sinh trong năm học 2023 - 2024 vừa qua chỉ đạt 80% chỉ tiêu đặt ra.

Gần đây nhất vào năm 2022, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định chỉ tuyển sinh hai ngành Điều dưỡng và Hộ sinh với tổng chỉ tiêu là 837 nhưng trên thực tế, chỉ có 523 thí sinh nhập học ở cả hai phương thức xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ những khó khăn trong tuyển sinh, TS Trương Tuấn Anh nhìn nhận, trong những năm gần đây, đặc biệt sau dịch COVID-19, việc tuyển sinh của các trường trong khối ngành sức khỏe gặp nhiều khó khăn.

"Việc các em lựa chọn đăng ký xét tuyển đến xác định nhập học đang có một khoảng cách, do vậy hầu hết các trường hiện nay số lượng sinh viên xác nhận nhập học và nhập học dưới 100%. Nhà trường cũng đã dừng tuyển sinh ngành y tế công cộng từ năm 2020.

Với ngành số lượng thí sinh trúng tuyển và nhập học ít, nhà trường luôn hỗ trợ các điều kiện về cơ sở vật chất và các nguồn lực khác để đảm bảo về chất lượng đào tạo cho các đối tượng này.

Đối với khối kiến thức ngành và chuyên ngành, nhà trường tổ chức giảng dạy theo kế hoạch và chương trình đào tạo. Tuy nhiên, đào tạo với số lượng như thế nên nhà trường gặp khó khăn về tài chính" - ông Tuấn Anh thông tin.

Cần tăng cường đầu tư cho các trường đại học địa phương

Đánh giá về mô hình đại học địa phương, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, trường đại học địa phương giúp cho nhiều học sinh nông thôn có cơ hội tham gia, tiếp cận vào giáo dục đại học. Phương thức hoạt động của các trường đại học địa phương gắn với nhu cầu học tập đa dạng của cộng đồng.

"Mỗi trường học sẽ có thế mạnh khác nhau. Nếu như đại học quốc gia đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của cả nước thì đại học địa phương cũng đang thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực đa dạng địa phương, giúp sinh viên có cơ hội học tập, giảm bớt tốn kém" - TS Lê Viết Khuyến đánh giá.

Tuy nhiên, theo TS Lê Viết Khuyến, trên thực tế, các đại học địa phương trong những năm gần đây đều trong tình trạng khó tuyển sinh, thậm chí có ngành học còn "trắng bảng". Điều này, xuất phát từ nhiều yếu tố.

"Các trường đại học địa phương đang đứng trước nhiều khó khăn như: Hoạt động tuyển sinh, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tài chính hạn hẹp..." - TS Lê Viết Khuyến nhìn nhận.

Để giải quyết những khó khăn này, TS Lê Viết Khuyến cho hay, việc quan trọng nhất là phải tạo nhiều hơn những chính sách quan tâm, tăng cường nguồn lực cho giáo dục tại địa phương.

"Có thể thấy, việc đầu tư nhỏ giọt, chưa chú trọng tới việc phân bổ nguồn lực cho giáo dục khiến cho nhiều trường đại học rơi vào tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất, khó tuyển sinh, thậm chí là nợ lương các giảng viên. Tôi nhận thấy, người quản lý cần ý thức được vai trò, chủ động giao nhiệm vụ, bổ sung ngân sách nhằm tạo điều kiện cho các trường phát triển tốt hơn" - ông Khuyến nêu giải pháp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn