MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuốn sách "Trăm năm cũng từ đây" của GS.TS Nguyễn Huy Hoàng. Ảnh: Mai Hương

Lời tri ân tới những người thầy đáng kính

Mai Hương LDO | 19/11/2022 08:57

Dịp 20.11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng ra mắt cuốn hồi ức “Trăm năm cũng từ đây” - lời tri ân chân thành NXB Văn học, Ban Liên lạc Hội Cựu sinh viên Ngữ Văn Đại học Tổng hợp và tác giả gửi đến các thế hệ nhà giáo Văn khoa, những người đã và đang ngày đêm lặng thầm cống hiến không biết mệt mỏi cho sự nghiệp “trồng người”. 

1

“Trăm năm cũng từ đây” là những hồi ức của GS.TS Nguyễn Huy Hoàng từ khi bước chân vào giảng đường cho đến khi tốt nghiệp đại học và quãng thời gian 15 năm ông giảng dạy tại khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Khoa Văn học (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội). 

Xuyên suốt tập hồi ký của GS.TS Nguyễn Huy Hoàng là phảng phất nỗi niềm hoài cổ, “ôn cố tri tân”. Trong mỗi trang viết của ông  chân dung những người thầy đáng kính, những người đồng môn thân tình, những hình ảnh thân thương của một thời bom đạn, khu giảng đường mái lá, những bữa cơm đạm bạc, những gương mặt nồng hậu  tác giả trân trọng tái hiện và gửi đến các thầy, cô và các sinh viên Văn khoa nhiều thế hệ.

Phần đầu của cuốn hồi ức, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng viết về chân dung kỷ niệm - các thầy, cô ông được học, được cùng làm việc suốt 20 năm, kể từ ngày ông nhập lớp. 

GS.TS Nguyễn Huy Hoàng kể, khi ông viết cuốn sách này, quá khứ như một cuốn phim thời sự cứ thế hiện ra. Ở đó, ông  gặp lại từng hình bóng thân quen, những kỷ niệm sâu lắng nhất về những nơi ông đã sống, về những người ông đã gặp, về những ấn tượng mãi mãi còn đọng lại trong tim.

GS.TS Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ về cuốn sách tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Mai Hương 

“Có thể nói rằng, tôi không quên một ai trong số gần trăm thầy giáo và cô giáo trong khoa Văn nhưng tôi chỉ viết về những thầy cô tôi có nhiều dịp tiếp xúc, nhiều dịp gần gũi và hiểu biết nhất. 

Tôi muốn viết về kỷ niệm mà tôi đã trải qua, những tháng ngày khó khăn về vật chất, gian khó về tinh thần. Nhưng thứ tôi có hơn thế hệ ngày nay, đó là những tình cảm” GS.TS Nguyễn Huy Hoàng bộc bạch. 

2

Năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát trên khắp thế giới. Tại Nga, với lưu lượng người ra vào từ Châu Âu, Châu Á và Trung Quốc sang; phương tiện giao thông công cộng rất nhiều càng làm dịch dễ lây lan. Không may thời điểm đó, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng mắc COVID-19 với tình trạng sức khoẻ xấu. Sau hơn 35 ngày, ông trở về nhà vào ngày 18.11.2020, trong khoảng thời gian nghỉ ngơi, ông đã đọc được nhiều bài viết về ngày nhà giáo trên mạng xã hội.

Ngay lúc đó, ông nghĩ  phải viết một điều gì đó về nhà trường, về khoa Văn - Đại học Tổng hợp. 

Ông hoàn thành bài viết của mình và đưa lên Hội những người yêu Khoa Văn-Đại học Tổng hợp, nhận được rất nhiều lời khích lệ từ GS. Đinh Văn Đức, Nhà giáo Trần Hinh,... rằng phải viết tiếp, không được dừng lại.

Theo nguyện vọng của Hội sinh viên Khoa Ngữ văn, mọi người muốn in “Trăm năm cũng từ đây” và ra mắt năm 2021, đúng dịp kỷ niệm 65 thành lập trường nhưng vì dịch COVID-19, không được tập trung đông người nên chương trình dời sang năm 2022. Và trước ngày ra mắt sách, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng đã quyết định trở về nước.

Chia sẻ với Lao Động, GS.TS Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Có thể nói rằng giá trị vật chất đủ đầy ngày nay khó có thể thay thế được những giá trị tinh thần. Cuộc sống như hai trang của tờ giấy, một trang vật chất, một trang tinh thần. Tôi muốn nhắn nhủ rằng, phải có trang tinh thần tương xứng với trang vật chất, có thể vật chất mờ nhạt đi nhưng trang tinh thần rực rỡ thì cuộc đời vẫn rực rỡ.

Tôi muốn nói về lòng biết ơn đối với những bậc thầy cô đã dạy dỗ chúng ta. Thầy cô cũng như những bậc cha, bậc mẹ của mình. Và tôi cũng muốn nhắc nhở mọi người phải biết yêu thương nhau. Đất nước mình so với nhân loại chỉ là một góc chân trời bé nhỏ, con đường đến với cuộc sống không chỉ dừng học vấn, ở lại trong sách  vở mà còn có một ngôi trường rất lớn, đó là trường đời”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn