MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy cô giáo vừa thực hiện công tác phòng chống dịch vừa phải đảm bảo kiến thức cho học sinh. Ảnh: Nam Du

Lớp học xuất hiện F0: Trường học an toàn không phải là “zero COVID"

Phạm Đông LDO | 17/02/2022 09:10

Hà Nội - Sau hơn 1 tuần học sinh Hà Nội trở lại trường đã xuất hiện nhiều ca F0 là giáo viên, học sinh trong trường học. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng nhà trường cần phản ứng kịp thời, thực hiện theo quy định để đảm bảo hoạt động giáo dục. Phụ huynh không nên lo ngại khi con đi học lây F0 từ bạn mà cho con học trực tuyến.

Không có thời điểm nào là an toàn tuyệt đối

Chưa trọn vẹn trong tuần thứ hai đến trường, vào tiết thứ 3 của ngày 16.2, em Lê Quang Anh, học sinh lớp 7 tại một trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy cũng được gia đình đón về nhà vì lớp báo có F0.

Quang Anh cho biết, em ngồi cách bạn F0 3 bàn, có nói chuyện với bạn 1-2 câu ở khoảng cách trên 2 mét, cả 2 đều đeo khẩu trang nhưng khi rà soát, cô vẫn xếp em vào nhóm F1 và em phải chuyển học trực tuyến.

Chị Nguyễn Thị Thảo, phụ huynh em Quang Anh nêu ý kiến, khi đi học trực tiếp thì mỗi phụ huynh nên thực hiện test cho con mỗi tuần ít nhất 1 lần để đảm bảo con mình an toàn; nếu phát hiện con nhiễm COVID thì không cho con đến trường, tránh trường hợp con đi học rồi lại đến đón; khi đó nhiều bạn trong lớp đã trở thành F1.

Cũng theo phản ánh của một số phụ huynh có con học tại quận Cầu Giấy, do lớp con học có F0 nên gia đình nào có nguyện vọng cho con học online thì đăng ký. Ai đi học trực tiếp thì vẫn đến trường. Do vậy, lo ngại khi con đi học lây F0 từ bạn, không ít phụ huynh dù mong muốn con được đến trường nhưng vẫn quyết định cho con học trực tuyến. Cũng có phụ huynh cẩn thận mua kit test nhanh về nhà để kiểm tra cho con trước khi đến lớp.

Theo ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trước khi học sinh Hà Nội trở lại trường học sau dịp Tết Nguyên đán, Hà Nội có văn bản hướng dẫn liên ngành khá chi tiết về việc xử lý như thế nào khi có F0 trong trường học.  

Hà Nội thực hiện trên nguyên tắc, các trường học chỉ khi đảm bảo an toàn mới đón học sinh học trực tiếp, không vì một vài ca nhiễm mà đóng cửa toàn bộ trường học. Trường hợp bất khả kháng, học sinh không thể đến trường học, các nhà trường đảm bảo đủ phương tiện, thiết bị dạy học để tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, bảo đảm để học sinh không bị gián đoạn chương trình học tập.

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, việc đến trường của trẻ bây giờ không có thời điểm nào là an toàn tuyệt đối mà chỉ có "thời điểm an toàn nhất". Đây không phải sự buông xuôi mà một sự lựa chọn linh hoạt, hợp lý, khoa học. Tất cả các cấp học nên đến trường học trực tiếp vì hậu quả của học trực tuyến rất lớn, nhiều hệ luỵ kéo theo ảnh hưởng mắt, tự kỷ, tâm thần, tâm lý,… của trẻ nhỏ.

GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng cần phải hiểu rõ dịch từ đâu, trong lớp lây lan thế nào?  Trẻ có thể lây dọc đường, trên xe ôtô, lây từ trong nhà mang đến lớp. Điều này có nhiều khả năng bởi lớp có mấy chục em thì tất cả gia đình số học sinh đó có cách phòng dịch, thái độ, điều kiện sinh hoạt… khác nhau. Ở nhà có 2 việc rất dễ lây, đó là người lớn, bố mẹ thường đi làm việc ở những nơi nguy cơ nhiều, về nhà nghĩ an toàn, trong nhà không đeo khẩu trang.

Cần trang bị cho con các kỹ năng biết tự bảo vệ mình. Ảnh: P.Đ

GS. Nguyễn Anh Trí cho rằng ở nhà có nguy cơ lây bệnh nhiều nhất. Còn ở lớp là khâu nguy cơ và lây lan lẫn cho nhau nhiều nhất. Bố mẹ có con đang tuổi đến trường phải có biện pháp phòng chống dịch nhiều nhất, phòng cho cá nhân, cho con mình và cho lớp học. Ngoài ra, cần tích cực tiêm vaccine cho trẻ để trẻ an toàn đến trường.

Theo chuyên gia, trẻ đi học trở lại sau thời gian dài ở nhà học trực tuyến, cha mẹ cần trang bị cho con các kỹ năng biết tự bảo vệ mình và xem đây là cơ hội để thích ứng với bối cảnh mới.

Vừa học, vừa tìm cách ứng phó dịch

Để trẻ đi học được an toàn, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, trên thế giới, trong suốt thời gian xảy ra đại dịch, các nước Nhật Bản cùng một số nước khác vẫn cho trẻ đến trường. Trong khi đó, trẻ em ít bị nhiễm COVID-19. Nếu bị mắc COVID-19, trẻ cũng bị ở thể nhẹ, trừ những trẻ có bệnh nền, trẻ suy giảm miễn dịch. Do đó, việc cho trẻ đi học trực tiếp là cần thiết.

Để trẻ đi học được an toàn, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, nhà trường phải có kế hoạch cụ thể ứng phó với dịch COVID-19, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, vệ sinh trường học, có những biện pháp, kế hoạch ứng phó khi có trường hợp F0. Học tập trong điều kiện ứng phó linh hoạt, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Nhà trường không nên cho các lớp tiếp xúc với nhau, chỉ nên tương tác với học sinh và cô giáo trong lớp… Trẻ bị mắc COVID-19 lúc nào chúng ta xử lý lúc đó, không nên cho cả trường nghỉ học khi phát hiện học sinh F0. Giáo viên, phụ huynh cần xác định đúng F0, F1 để cho trẻ nghỉ học, không bị gián đoạn.

"Các bậc cha mẹ phải chủ động khai báo nếu con có các biểu hiện ho, sốt, khó thở và cho con nghỉ học ở nhà nếu bị ốm hoặc có biểu hiện bệnh đường hô hấp” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.

Cũng theo chuyên gia y tế, khái niệm trường học an toàn không phải là “zero COVID” mà phải xây dựng được kịch bản ứng phó, tổ chức được truy vết nhanh, khoanh vùng nhanh khi phát hiện F0 trong nhà trường để đảm bảo chống dịch an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn