MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô Hà Ánh Phượng và học sinh trường THPT Hương Cần. Ảnh: NVCC

“Lớp học xuyên biên giới” của học sinh vùng cao

HOÀI ANH LDO | 27/09/2020 13:00

Nhìn gương mặt rạng rỡ, tiếng cười nói vui vẻ của các học sinh Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), khó ai có thể tin được rằng các em đang trong tiết học tiếng Anh – một tiết học từng là nỗi ám ảnh của hầu hết các học sinh nơi đây. Người đang đứng lớp là cô giáo Hà Ánh Phượng.

Giáo dục là không giới hạn

Ngay từ khi còn nhỏ, cô Hà Ánh Phượng đã ước mơ trở thành giáo viên. Vì vậy, dù sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hà Nội với tấm bằng loại ưu và được một công ty Pakistan mời về làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với mức lương hấp dẫn, cô Ánh Phượng vẫn từ chối. Cô quyết định tiếp tục học thạc sĩ ngành sư phạm tiếng Anh để hoàn thành ước mơ đứng trên bục giảng.

Năm 2016, cô Ánh Phượng chọn về công tác tại Trường THPT Hương Cần - một ngôi trường có hơn 85% học sinh là con em các dân tộc thiểu số.

“Những em học sinh nơi đây còn nhiều thiệt thòi, chưa có nhiều cơ hội học tập và phát triển như các bạn cùng trang lứa ở thành phố. Điều khiến tôi trăn trở nhất là làm thế nào để “bất cứ học sinh nơi nào cũng có thể được hưởng nền giáo dục tốt nhất” và “học sinh ở miền núi cũng có cơ hội học tập như học sinh ở thành phố”, cô Phượng tâm sự.

Cô Phượng luôn tâm niệm “giáo dục là không giới hạn” và “Anh ngữ là sinh ngữ” vì thế trong 5 năm qua cô đã cố gắng tìm hiểu những phương pháp dạy học tiếng Anh, những giải pháp để thu hẹp khoảng cách mà học sinh mình đang có so với đà phát triển của thế giới. Cô muốn tất cả các học sinh của mình được thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất.

Năm 2018, cô tham gia diễn đàn "Giáo dục sáng tạo" của Microsoft. Đây chính là nơi mang cô đến gần hơn với sự phát triển giáo dục của thế giới. Sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi, cô Phượng đã tìm ra cách giúp học sinh gạt đi nỗi sợ mang tên “tiếng Anh”.

Sau khi từ chối mức lương hấp dẫn, cô Phượng quyết định về quê làm giáo viên dạy tiếng Anh. Ảnh: NVCC

“Lớp học xuyên biên giới”

Chỉ với chiếp một chiếc laptop và màn hình máy chiếu, cô Phượng đưa học sinh của mình vào môi trường học tập không biên giới, khắc phục được những hạn chế của mô hình lớp học truyền thống.

“Lớp học xuyên biên giới” là lớp học mà các học sinh của cô Phượng có thể học tập cùng rất nhiều các bạn học sinh trên khắp thế giới. Ở đó các em học sinh không chỉ có cơ hội được luyện tập nghe, nói, phát âm với các thầy cô giáo và các bạn nước ngoài mà còn được mở mang kiến thức về văn hóa.

Niềm say mê môn học ngoại ngữ, niềm khao khát được trở thành những công dân toàn cầu đã giúp cô trò du lịch không Visa trên 40 quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới.

Sau thời gian áp dụng, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Việt, điểm kỹ năng nghe, nói có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các em có thể chủ động trong việc sử dụng các ứng dụng dạy học hiện đại để tiếp cận tri thức.

Khả năng thuyết trình, khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, kỹ năng giải quyết vấn đề, phát triển tư duy phê phán… là những điều mà cô nhìn thấy rõ ở các em.

Nhờ những nỗ lực không ngừng trong ngành Giáo dục, mới đây, cô Phượng được Tổ chức Giáo dục Varkey Foundation vinh danh là một trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020. Thêm vào đó, cô cũng được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020.

Cô Hà Ánh Phượng nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: NVCC

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn