MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 sẽ chính thức học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Tường Vân

Lựa chọn môn học vào lớp 10: Khó đáp ứng 100% nguyện vọng của học sinh

Tường Vân LDO | 18/08/2022 16:07

Tại nhiều trường THPT, việc lựa chọn môn học lớp 10 đang được thực hiện theo cách trường học xây dựng các tổ hợp môn có sẵn, học sinh sẽ tự chọn một trong số các tổ hợp môn đó. Lý giải điều này, các hiệu trưởng khẳng định, theo lý thuyết, ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được quyền lựa chọn 4 môn học từ 9 môn tự chọn. Tuy nhiên, rất khó để các trường đáp ứng 100% nguyện vọng của học sinh.

Gấp rút điều chỉnh tổ hợp môn

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, Lịch sử trở thành môn học bắt buộc và Bộ quyết định điều chỉnh số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn, gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật.

Sau thông báo trên, các trường học đã có sự điều chỉnh, thay đổi việc bố trí tổ hợp môn tự chọn để đảm bảo đúng theo quy định.

Theo ghi nhận của Lao Động, đa số các trường đều điều chỉnh theo phương án: Với các tổ hợp đã có môn Lịch sử, trường giữ nguyên do Lịch sử trở thành môn bắt buộc.

Đối với các tổ hợp chưa có môn Lịch sử, trường phải rút bớt một môn ở tổ hợp lựa chọn để tổng còn 4 môn trong nhóm môn học tự chọn.

Học sinh Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến trường đăng kí nguyện vọng môn học vào lớp 10. Ảnh: Tường Vân

Chẳng hạn, tại Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhà trường giữ nguyên 2 nhóm môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội với tổng 8 sự lựa chọn như trước kia, mỗi nhóm 4 sự lựa chọn.

Với tổ hợp lựa chọn thuộc nhóm Khoa học tự nhiên, nhà trường rút bớt các môn Lịch sử, Công nghệ, Vật lý. Trong tổ hợp KHTN trước đây đều có môn Lịch sử, nay môn Lịch sử đã được chuyển sang nhóm môn học bắt buộc nên vẫn đảm bảo 4 môn mỗi tổ hợp lựa chọn. 

Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) xây dựng 8 tổ hợp môn vào lớp 10 để học sinh đăng kí lựa chọn. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết, ngay khi có thông báo điều chỉnh về chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mới với bậc THPT của Bộ GDĐT, nhà trường đã họp cha mẹ học sinh, lấy ý kiến, nguyện vọng của học sinh để có sự điều chỉnh, xây dựng thành 11 tổ hợp môn học.

"Ngay từ khi phụ huynh nộp hồ sơ vào lớp 10, nhà trường đã có phiếu khảo sát nguyện vọng của phụ huynh dự kiến cho con lựa chọn tổ hợp môn nào. Từ đó, nhà trường có sự tính toán lớp học, sĩ số để phù hợp. Đây là thế mạnh của nhà trường khi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh từ rất sớm.

Do đó, khi có thông báo điều chỉnh nội dung chương trình của Bộ GDĐT, chúng tôi không bị động và gần như không gặp khó khăn trong quá trình triển khai" - thầy Tùng nói và cho rằng, việc xây dựng tổ hợp môn chủ yếu dựa vào nhu cầu của học sinh, sau đó là cơ sở vật chất và đội ngũ của nhà trường.

Khó đáp ứng 100% nguyện vọng của học sinh

Tại Trường THPT Thường Tín (Thường Tín, Hà Nội), học sinh lớp 10 chỉ có 3 sự lựa chọn: Ban Tự nhiên, gồm 9 lớp, theo khối A và A1 thi đại học; ban Xã hội 1, gồm 2 lớp, theo khối D thi đại học; Xã hội 2 gồm 2 lớp, theo khối D thi đại học.

Như vậy, với những học sinh đã trúng tuyển vào trường này và định hướng thi đại học khối C00 hoặc các tổ hợp khác sẽ không có sự lựa chọn theo đúng nguyện vọng.

"Ban đầu, trường xây dựng tổ hợp môn lựa chọn theo định hướng thi đại học khối C00 và có 2 em đăng kí chọn tổ hợp môn học này. Do số lượng học sinh quá ít, không thể tổ chức lớp nên nhà trường phải tư vấn để các em đổi nguyện vọng sang lớp khối D.

Đây là khó khăn chung của tất cả các trường khối công lập khi không đáp ứng được 100% nguyện vọng của học sinh" - cô Phạm Thị Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thường Tín nói. 

Đa số các trường đều nói rằng, không thể đáp ứng 100% nguyện vọng của người học dù đã có sự tính toán, cân nhắc giữa nhu cầu của người học và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.

“Các em học sinh được đăng kí nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Tuy nhiên, nhà trường chỉ có thể đáp ứng được khoảng 75% nguyện vọng 1 của học sinh. Số còn lại, các em sẽ được thầy cô tư vấn, định hướng và học sang nguyện vọng 2” – thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn