MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luận án tiến sĩ ở Trường Đại học Bách Khoa về áo ngực. Ảnh: CMH

Luận án tiến sĩ về áo ngực rất thiết thực, không có gì bất thường

Trang Hà LDO | 05/10/2022 06:16

Luận án tiến sĩ có tiêu đề "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực" của một nghiên cứu sinh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Báo Lao Động đã đăng tải bài viết "Viện trưởng Dệt may: Luận án tiến sĩ nghiên cứu áo ngực có giá trị khoa học và thực tiễn" liên quan đến luận án tiến sĩ của một nghiên cứu sinh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trong bài viết, PGS.TS Phan Thanh Thảo - Viện trưởng Viện Dệt may - Da giầy và thời trang, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, đây là đề tài chuyên ngành về công nghệ dệt, may có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn.

Nhiều bạn đọc của Báo Lao Động thể hiện sự đồng tình, ủng hộ với tính thiết thực của luận án.

Bạn đọc Nguyễn Hòa bày tỏ: "Khi nào các bạn phải đối mặt với cảnh ung thư vú, phải cắt bỏ một phần cơ thể, các bạn mới thấy sự cần thiết của việc nghiên cứu áo ngực để có chiếc áo thoải mái, tiện dụng nhất".

Bạn đọc Vinh Nguyễn cho rằng: "Nghiên cứu một vấn đề liên quan đến sức khỏe, thẩm mỹ cho con người là đề tài thiết thực, không có gì bất thường. Nếu mọi người nghĩ nó nhạy cảm và cho là không bình thường thì nên thay đổi suy nghĩ đó. Các hãng thời trang đồ lót lớn trên thế giới, họ đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu, thiết kế và giá lên đến tiền triệu một cái áo nịt ngực là vì như thế".

"Với đề tài ý nghĩa như trên và thành tích nghiên cứu khoa học liên quan đến luận án đặc biệt ấn tượng của nghiên cứu sinh, tôi tin rằng, đây là một sản phẩm khoa học được thực hiện nghiêm túc, rất công phu của tác giả.

Đặc biệt có ý nghĩa phục vụ "một nửa thế giới" tại miền Bắc nước ta. Vấn đề duy nhất là chất lượng khoa học của luận án, nhưng đây là nhiệm vụ của hội đồng đánh giá luận án" - bạn đọc Phạm Văn Minh nêu quan điểm.

Bạn đọc Liên Hà cũng bày tỏ: "Với tôi, nó thực sự quá thực tiễn, quá có giá trị và thiết thực. Nghiên cứu chuyện cơm ăn áo mặc thì có gì mà cười chê?

Cứ kêu ca nhiều nghiên cứu không thực tế, nhưng tới lúc có thứ thực sự thiết thực thì lại coi thường, cười chê vì nó bình thường quá. Vậy phải làm sao mới vừa lòng?

Với tư cách là người đã thử hàng chục cho đến hàng trăm loại áo ngực, tôi khẳng định đề tài này thiết thực. Chẳng may mua cái áo thiết kế không chuẩn với cơ thể về mặc một lần là bỏ vì khó thở, tức ngực, không phù hợp... rất hại sức khỏe và thiếu thẩm mỹ".

Bên cạnh đó, cũng có bạn đọc hoài nghi về tính cấp thiết cũng như tính ứng dụng của đề tài.

Bạn đọc Minh Khải cho rằng: "Rất nhiều ý kiến bảo vệ cho đề tài này mà không hiểu cái thực tế của đề tài. Phạm vi đề tài này chỉ mang tính thống kê và nhỏ hẹp so với tầm một luận án tiến sĩ".

"Không những không phản đối mà còn rất đồng tình nhưng đã là đề tài của một luận án tiến sĩ thì phải là của toàn thế giới (nói chung) và phụ nữ (nói riêng) chứ sao chỉ có "nữ sinh Bắc Việt Nam"? Khó hiểu quá" - bạn đọc Hữu Phước băn khoăn.

Bạn đọc Ngọc Trúc bày tỏ sự hoài nghi: "Nghiên cứu rồi không biết ứng dụng vào thực tiễn ra sao, có giúp ích gì cho chị em không mới là vấn đề, chứ sau đó xếp vào tủ thì cũng như không".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn