MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chức danh nghề nghiệp sẽ được quy định không phụ thuộc vào chức danh viên chức để thực hiện bình đẳng giữa giảng viên trường công và trường tư. Ảnh: HN

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi: Thực hiện bình đẳng giữa giảng viên trường công và trường tư

HUYÊN NGUYỄN LDO | 20/05/2018 16:27

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi quy định các chức danh nghề nghiệp này không phụ thuộc vào chức danh viên chức để thực hiện bình đẳng giữa giảng viên trường công và trường tư.

Giảng viên đại học phải có trình độ thạc sĩ

1 trong 6 điểm mới của Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung sẽ trình Quốc hội tại kì họp thứ 5 tới đây là sửa đổi quy định về giảng viên theo hướng đảm bảo chuẩn chất lượng, giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học trong việc bổ nhiệm, suy tôn các chức danh giảng viên.

Dự thảo mới quy định việc xây dựng chính sách thu hút và đãi ngộ giảng viên, quy định tỉ lệ cụ thể của giảng viên tham gia Hội đồng trường công lập và đại diện giảng viên tham gia Ban kiểm soát của trường tư thục để phát huy năng lực của đội ngũ giảng viên.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ trong tự chủ, quy định việc thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng giảng viên.

Dự thảo tiếp tục giữ quy định về chuẩn giảng viên đại học và giữ 5 chức danh nghề nghiệp của giảng viên theo xu hướng quốc tế bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư. Các chức danh nghề nghiệp này không phụ thuộc vào chức danh viên chức để thực hiện bình đẳng giữa giảng viên trường công và trường tư.

Bên cạnh đó, dự thảo quy định trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ.

Các trường được tự bổ nhiệm, suy tôn chức danh giảng viên

Dự thảo mới quy định việc giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục trong việc bổ nhiệm, suy tôn các chức danh giảng viên. Điều này được thể hiện tại quy định: Giảng viên đạt chuẩn chức danh theo quy định thì được hiệu trưởng bổ nhiệm chức danh giảng viên theo quy định. Cơ sở đào tạo còn được tự chủ trong việc: quy định các tiêu chuẩn đối với giảng viên, quy định cơ chế chính sách sử dụng, đãi ngộ để tuyển chọn, thu hút giảng viên, đặc biệt là giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học .

Các quy định trên vừa đáp ứng được cơ chế tự chủ của các trường đồng thời vừa đảm bảo tính thống nhất theo các chuẩn mực chung về chất lượng giảng viên trong toàn hệ thống, tạo cơ sở để quy định chế độ chính sách đối với giảng viên và sự suy tôn của xã hội đối với giảng viên, tránh tình trạng có cơ sở đào tạo bổ nhiệm, phong chức danh giảng viên chưa đạt chuẩn để tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn