MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những ngày qua phụ huynh đã lên tiếng đòi lại công bằng cho trẻ em khiếm thị ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).

Lùm xùm ở trường Nguyễn Đình Chiểu: Học sinh khiếm thị có bị mất tiền “oan”?

Đặng Chung LDO | 21/12/2017 18:13
Được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hai biên chế để chăm sóc, phục vụ bữa ăn của trẻ khiếm thị nhưng lãnh đạo Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) vẫn mời công ty ở ngoài vào nấu, làm chi phí bữa ăn bị tăng lên. Gia đình các em đang phải trả thêm tiền cho nhiều dịch vụ, từ tiền công nấu, đến tiền khấu hao tài sản...

Học sinh khiếm thị “cõng” giá dịch vụ

Đi sâu tìm hiểu về câu chuyện lùm xùm phụ huynh “tố” Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, chúng tôi tiếp tục phát hiện ra những sự thật và hiểu lý do vì sao mà phụ huynh lại bức xúc với chủ trương gộp bếp ăn của nhà trường như thế.

Trong buổi làm việc với Công ty Hương Việt Sinh – đơn vị cung cấp bữa ăn cho học sinh sáng mắt Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu và bắt đầu từ năm học 2017-2018 phục vụ bữa ăn cho cả học sinh khiếm thị trong trường, chúng tôi được đại diện công ty cung cấp thực đơn hằng ngày của trẻ ăn bán trú tại trường này.

Ngày 18.12, thực đơn bữa chính cho học sinh tiểu học gồm: Thịt lợn rán xá xíu, giò lụa rim tiêu, bắp cải, cà rốt xào, canh chua nấu thịt nạc thả giá. Ngày 19.12, bữa chính gồm có: Thịt gà rang gừng, đậu phụ rán sốt cà chua, cải ngọt xào tỏi, canh củ quả nấu xương.

Bữa sáng, có hôm học sinh được ăn bánh mỳ trứng, nhưng có hôm là bánh mỳ xúc xích hoặc bánh mỳ thịt nướng. Thực đơn được công ty lên trước cả tháng, các món ăn thay đổi hằng ngày, phong phú.

Khi được đề nghị, đại diện công ty cũng cung cấp cho phóng viên bảng giá mua sắm thực phẩm, đơn giá tính tiền bữa ăn của trẻ.

Qua quan sát, ngoài tiền mua thực phẩm sạch của những đơn vị uy tín, bữa ăn bán trú của học sinh còn có các loại tiền: Khấu hao tài sản, nhân công nấu, phục vụ và 10% thuế VAT.

Tức là với một suất ăn trị giá 23.000 đồng, ngoài tiền thực phẩm, học sinh khiếm thị đang phải trả các loại tiền: 2.091 đồng tiền thuế VAT, 1.000 đồng công nấu, phục vụ, 250 đồng tiền khấu hao tài sản, rồi tiền điện, nước rửa chén, lau sàn, chi phí quản lý kinh doanh… Cụ thể bữa ăn trị giá 23.000 đồng đã mất khoảng từ 3.000-4.000 đồng/suất trả cho các loại dịch vụ kinh doanh của doanh nghiệp.

Phụ huynh đồng ý tăng tiền, miễn sao bữa ăn của con đủ đầy chất dinh dưỡng. Nhưng việc mời công ty ở ngoài vào nấu, đồng nghĩa gia đình trẻ khiếm thị sẽ phải trả thêm những loại phí dịch vụ kinh doanh mà đáng lẽ nếu sử dụng bếp ăn cũ, dùng nhân viên được Sở cấp để nấu ăn như trước, các em sẽ được hỗ trợ. Còn bây giờ, những loại tiền dịch vụ đang bị trừ trực tiếp trên bữa ăn hằng ngày của trẻ khiếm thị tại trường. 

Tại sao trường không nghĩ cách giảm chi phí cho trẻ đỡ thiệt thòi?

Đại diện Công ty Hương Việt Sinh nói: “Khi bắt đầu vào phục vụ trẻ sáng mắt trong trường, mỗi tháng chúng tôi hỗ trợ 10 triệu đồng/tháng cho bếp ăn của trẻ khiếm thị vì thương hoàn cảnh của các em.

Nhưng kể từ đầu năm học 2017- 2018, Ban giám hiệu đề nghị bên Công ty phục vụ cả suất ăn cho các em học sinh khiếm thị. Ngày ăn món thực phẩm đắt tiền bù cho ngày ăn món thực phẩm ít tiền. Chính vì vậy sẽ có ngày âm tiền, có ngày dương tiền. Giá thành suất ăn bao gồm 10% thuế VAT.

Sau 2 tháng (tháng 9, 10.2017) phục vụ, Cty gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc sắp xếp nhân sự phục vụ làm việc với thời gian dài từ 5h30 sáng đến 19h tối hàng ngày (do nhiều trẻ khiếm thị ở nội trú tại trường, ăn cả 3 bữa/ngày) dẫn đến chi phí nhân công rất cao, phải trả tiền cho nhân công làm thêm giờ.

Công ty đã có lần đề nghị với nhà trường xin không phục vụ suất ăn bán trú cho các em học sinh khối khiếm thị nữa, mà sẽ hỗ trợ bằng cách ủng hộ bếp ăn của các em 10 triệu, thậm chí có thể hơn, như trước đây vẫn làm, nhưng nhà trường không đồng ý. Trường yêu cầu Cty tiếp tục phục vụ và nhà trường nói sẽ điều chỉnh giá suất ăn để hỗ trợ”.

Đại diện công ty này cũng khẳng định, ngoài số tiền suất ăn Cty thu theo sĩ số thực tế (có đối chiếu của bộ phận kế toán giữa hai bên), Cty không thu thêm bất cứ một khoản tiền nào khác.

Không ít phụ huynh có con là trẻ khiếm thị đang học tại trường có chung thắc mắc: Tại sao Sở GDĐT Hà Nội có biên chế chăm sóc cho học sinh khiếm thị mà trường vẫn bắt phải sáp nhập bếp ăn để mời công ty ở ngoài vào nấu? Tại sao trường không tìm mọi cách để giảm chi phí cho phụ huynh, bằng cách tận dụng biên chế đã có để phục vụ ăn uống cho các con khiếm thị như trước kia?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn