MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: HUBT

Lùm xùm tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Nhóm PV LDO | 22/04/2024 06:00

Ngoài những lùm xùm về đầu tư, đào tạo,... từ năm 2017, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về bộ máy tổ chức, nội bộ nhà trường.

“Chống lệnh” thành lập trường

Báo Lao Động nhận được đơn phản ánh của ông Lại Việt Hùng, Ủy viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban liên lạc Các nhà đầu tư Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đại diện cho số cổ đông có tổng số góp vốn trên 40% của trường.

Trong đơn tố cáo, ông Lại Việt Hùng đề cập đến nhiều nội dung, trong đó có việc một thế lực đang đứng sau, điều hành toàn bộ hoạt động của trường, thao túng khối tài sản hàng nghìn tỉ đồng của các nhà đầu tư.

Ông Hùng cho biết, tháng 6.2019, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chuyển Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội từ loại hình dân lập sang tư thục và theo yêu cầu của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, trường bắt buộc phải thành lập hội đồng trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cũng liên tục có văn bản nhắc nhở nhưng hơn 4 năm nay, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hoạt động trong tình trạng không có hội đồng trường.

Lãnh đạo Ban Giám hiệu là GS Trần Phương và theo xác nhận của nhiều nhà đầu tư, không còn đủ sức khoẻ để đảm nhiệm việc này.

Trong hơn 4 năm qua, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn chưa thành lập Hội đồng trường theo quy định. Ảnh: HUBT

Ai đang thực sự điều hành Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội?

Trao đổi với Lao Động, một nhà đầu tư khác là ông Nguyễn Ngọc Hùng - Phó Chủ nhiệm khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - cho rằng, kể từ năm 2017 - thời điểm GS Trần Phương bắt đầu lâm bệnh và dần không trực tiếp lãnh đạo, điều hành trường, giai đoạn khủng hoảng về quản trị tại đây bắt đầu.

Chức danh hiệu trưởng hiện nay chỉ còn trên danh nghĩa, nhưng chữ ký khắc gỗ của ông Phương vẫn được dùng để cấp bằng tốt nghiệp cho người học. Đáng nói, con dấu trên khắc chữ ký khô của GS Trần Phương không phải do đơn vị chức năng (văn phòng của trường) quản lý theo quy định mà do con gái của GS Trần Phương (tên là Uyên) giữ tại tư gia.

Các nhà đầu tư đồng loạt cho rằng, tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ và quan trọng hơn là lợi ích của người học. Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt lùm xùm trong tuyển sinh, đào tạo.

Chính vì vậy, các nhà đầu tư khẩn thiết kiến nghị Bộ GDĐT với chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, chỉ đạo đưa Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vượt qua khủng hoảng. Và điều cấp thiết cần làm là thu hồi, hủy, đình chỉ các văn bản, tổ chức hoạt động sai trái tại trường. Bộ GDĐT cần trực tiếp chỉ đạo trường thực hiện Quyết định 671 của Thủ tướng Chính phủ, sớm bầu được Hội đồng trường.

Cần truy trách nhiệm của Bộ GDĐT

Ông Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, trung bình cứ mỗi năm, Bộ GDĐT lại có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thực hiện theo đúng quy định trong việc thành lập Hội đồng trường. Song, trong nhiều năm qua, dù "chống lệnh", nhưng vẫn chưa thấy chế tài xử lý, răn đe.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, Hội đồng trường quyết định đường hướng phát triển trường, kiểm tra, giám sát mọi hoạt động, quy chế tài chính...

"Việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không có Hội đồng trường trong nhiều năm, rõ ràng “đầu não” của nhà trường rối loạn. Do đó, dứt khoát phải có hội đồng trường" - ông Khuyến nói. Chuyên gia này cũng đề cập đến trách nhiệm của Bộ GDĐT trong vai trò quản lý, giám sát.

Trao đổi với Lao Động về pháp lý của vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tình - Phó Trưởng Văn phòng luật sư Tinh hoa Việt - cho biết, đối với các vụ việc cụ thể, cần có cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ.

Còn về chế tài xử phạt về việc không thành lập Hội đồng trường, Luật sư Tình cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 127/2021/NĐ-CP) như sau: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không thành lập Hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật hiện hành".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn