MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non là công việc đặc thù, giáo viên chịu nhiều áp lực. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lương của giáo viên mầm non 20 năm về trước

Cô Nguyễn Thị Xuân Hương - giáo viên Trường Mầm non Nghi Ân ( Nghệ An) LDO | 16/11/2023 12:50

Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non - một công việc mang tính đặc thù nhưng thu nhập vào năm 2003 của giáo viên chỉ vỏn vẹn 300 nghìn đồng và chia thành 3 đợt cho một năm học.

"20 năm, nghề giáo viên mầm non đã gắn với cuộc đời tôi. Năm 18 tuổi, tôi chưa có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng và rồi tình cờ đã lựa chọn và dự thi ngành sư phạm mầm non. 4 năm theo học đại học, với một núi kiến thức đại cương và chuyên ngành, tôi cũng chưa hình dung rõ ràng về nghề giáo viên.

Năm 2003, tôi tốt nghiệp và lận đận hơn một năm mới có thể xin về công tác ở một ngôi trường mầm non của huyện Nghi Lộc. Trường Mầm non Nghi Ân lúc đó là lá cờ đầu của bậc học mầm non ở huyện nhà là Trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Với khát khao, đam mê của tuổi trẻ, tôi cùng các đồng nghiệp đã cống hiến tuổi trẻ của mình cho các phong trào của nhà trường.

Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non - một công việc mang tính đặc thù nhưng thu nhập lúc đó của giáo viên chỉ vỏn vẹn 300 nghìn đồng và chia thành 3 đợt cho một năm học.

Bù lại những vất vả đó, chúng tôi được đón nhận tình cảm yêu thương từ các học sinh, phụ huynh, lãnh đạo địa phương. Bất kể có hoạt động hay dịp lễ hội nào, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ từ mọi phía để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.

Cô Xuân Hương cùng học trò thân yêu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Và chúng tôi thấy mình yêu nghề giáo biết bao, dù cuộc sống còn nhiều vất vả. Nhưng rồi theo sự thay đổi của xã hội, nghề giáo nhận được sự tôn trọng, giáo viên mầm non nhận được sự quan tâm, chúng tôi được vào biên chế và hưởng lương theo bằng cấp. Cuộc sống của giáo viên mầm non từng bước được nâng lên.

Thế nhưng, đi kèm với đó cũng là những áp lực từ công việc. Trong thời đại công nghệ, gần như mọi hoạt động của giáo viên đều có sự giám sát của camera, phụ huynh, thậm chí là toàn xã hội. Và đâu đó, liên tục là những vụ bạo lực học đường, là sự mất niềm tin của một số người đối với nghề giáo. Điều đó tạo ra gánh nặng, đè lên vai những giáo viên như chúng tôi.

Đã có lúc, tôi thấy mình nản chí, muốn tìm một công việc khác để làm. Nhưng rồi hàng ngày đến lớp, nhìn những ánh mắt vô tư, trong trẻo của trẻ thơ, những lời nói hồn nhiên của các con đã níu chân tôi lại. Những lời động viên, chia sẻ từ các bậc phụ huynh cũng giúp tôi lấy lại tinh thần.

Và hôm nay đây khi tháng 11 về, trong tiết trời se lạnh của mùa đông nhưng lòng tôi lại thấy ấm áp khi đón nhận những tình cảm, sự tin yêu của các bậc phụ huynh dành cho mình. Và hơn cả là tình yêu thương của các học trò nhỏ dành cho cô giáo. Một thứ tình cảm vô tư, trong sáng, chưa chịu bất cứ sự chi phối nào.

Điều đó tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục với sự nghiệp ươm mầm tương lai cho đất nước. Đó có lẽ là món quà quý giá nhất mà chúng tôi cảm thấy ấm lòng mỗi khi tháng 11 về.

Những người chọn nghề giáo vốn mang sẵn trong mình những giá trị tích cực. Họ yêu học trò, gieo mong ước trong từng con chữ với khát khao nuôi dưỡng những mầm non tương lai của đất nước trưởng thành. Chính vì thế, nghề giáo xưa và nay luôn có một vị thế đặc biệt, nhận được sự kính trọng của toàn xã hội.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, cùng nghe những chia sẻ, tâm sự của thầy cô về chuyện đời, chuyện nghề trên báo Lao Động điện tử. Bạn đọc có tâm tư, chia sẻ về nghề giáo xin gửi về hòm thư toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn