MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lương thấp, nhiều nhân viên kế toán trường học phải làm thêm để trang trải cuộc sống. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Lương kế toán trường học thâm niên trên 10 năm không nổi 6 triệu đồng/tháng

Vân Trang LDO | 13/10/2023 15:37

Mức lương nhân viên kế toán trường học hiện nay còn thấp, mặc dù khối lượng công việc lớn, nhiều áp lực.

Hơn 10 năm công tác, lương chưa nổi 6 triệu

Chị Trình Thuý Vân - kế toán tại trường học ở tỉnh Yên Bái bắt đầu công việc của mình từ năm 2012. Tính đến thời điểm hiện tại, chị đã có 11 năm gắn bó với nghề, nhưng mức lương chỉ khoảng hơn 5 triệu đồng.

Công việc vất vả, áp lực, nhưng đồng lương ít ỏi, chị Thuý Vân phải làm thêm nhiều nghề "tay trái" để nuôi nghề "tay phải", cố bám trụ.

"Thời gian mới vào nghề, tôi chỉ được hưởng lương trung cấp. Sau đó, tôi đã quyết tâm đi học lên đại học với mong muốn mức lương được cải thiện. Tôi có bằng đại học từ năm 2015 đến nay, nhưng tôi vẫn chưa được chuyển ngạch. Mức lương vẫn theo hệ trung cấp.

Chính vì đồng lương bèo bọt không đủ trang trải cuộc sống, tôi đã xoay sở đủ nghề. Từ bán hàng online, bán hoa quả cho tới kinh doanh thực phẩm chức năng. Có tháng, tiền làm nghề tay trái của tôi gấp nhiều lần so với lương kế toán" - chị Thuý Vân nói.

Đường đi làm mỗi ngày của chị Thuý Vân, 10km thì mất khoảng 7km đường xấu, chưa kể ngày mưa to, nước ngập không biết lối nào để đi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Công việc làm thêm vất vả, công việc ở trường áp lực lớn, khi liên tục phải ngồi máy tính, có những hôm chị Vân phải thức đến 12 giờ đêm để làm cho xong việc. Đã không ít lần, chị định viết đơn xin nghỉ việc.

"Những lúc như vậy, tôi rất chán nản, tủi thân và bật khóc. Mọi người luôn nghĩ rằng, làm trong ngành của nhà nước thì lương ổn định, không vất vả nhiều. Nhưng bản thân tôi cảm thấy rất quá tải khi mức lương của kế toán không tương xứng với công sức đã bỏ ra" - chị Thuý Vân nghẹn ngào.

Kế toán trường học thiệt đủ đường

Không riêng chị Thuý Vân, những nhân viên kế toán trường học trên cả nước đều chung tâm trạng buồn tủi, chạnh lòng, cảm thấy mình là những đứa con bị ngành giáo dục "bỏ rơi".

Hồi cuối tháng 9 vừa qua, 52 nhân viên kế toán trường học tại Thái Nguyên đã có tâm thư gửi Chủ tịch nước. Họ cho rằng, nghề kế toán trong các đơn vị trường học cũng là một nghề rất áp lực, trọng trách nặng nề, đòi hỏi kinh nghiệm, chuyên môn,... chưa kể, môi trường thường xuyên tiếp xúc với máy tính độc hại cùng ánh sáng xanh và với khối lượng công việc càng ngày càng lớn...

Dù vậy, nhân viên kế toán trường học không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề,... trách nhiệm theo nghề như các nghề khác, hay được đưa vào là nghề độc hại để được giảm tuổi nghỉ hưu bởi những người làm kế toán không thể đủ minh mẫn và sức khoẻ để có thể cống hiến với nghề đến 60 tuổi.

Nghề kế toán cũng cần phải có kinh nghiệm làm việc, vậy nhưng lại không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề như những nghề kể trên,...

Họ cho rằng, ngoài những khó khăn chung, tùy theo vị trí việc làm mà còn nhiều sự vất vả riêng nữa. Đối với kế toán ở các khối trường học, tuy nghiệp vụ tài chính phát sinh của ngân sách không nhiều, nhưng lại phải kiêm nhiều công việc như: Kế toán các khoản thu ngoài ngân sách, học phí, kế toán mảng bán trú, công đoàn, nhiều đơn vị kế toán còn kiêm cả mảng kế toán Đảng và không có bộ phận phục vụ, còn phải kiêm đủ thứ việc trên đời như: Văn thư, tạp vụ, đánh trống, phát văn phòng phẩm, đồ dùng các loại...

Kế toán còn bị phân công làm cả những việc như: Làm các loại hồ sơ liên quan đến việc thu hồ sơ, xét duyệt các chế độ của giáo viên, học sinh, lập tờ trình nâng lương, tăng thâm niên cho giáo viên; tổng hợp các loại bảng biểu báo cáo của nhà trường, quản lý không biết bao nhiêu phần mềm của phần việc mình.... Rất nhiều việc không tên khác, không kể hết mà kế toán đã và đang phải làm.

Chính từ những khó khăn thực tiễn, nhân viên kế toán tại các trường học đều có chung mong muốn, Chính phủ, các bộ ngành nghiên cứu, rà soát, xem xét phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung các Thông tư, Nghị định, các đối tượng hưởng các chế độ phụ cấp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên ở trường học có cơ hội được hưởng các chế độ phù hợp với chức trách, nhiệm vụ, nội dung công việc được giao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn