MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lương không đủ sống, giáo viên mong mỏi sớm được tăng phụ cấp nghề

Phùng Nhung LDO | 29/10/2022 08:34

Nhiều giáo viên bày tỏ sự vui mừng trước thông tin Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh nâng phụ cấp cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non.

Công việc áp lực nhưng lương thấp

Theo Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non công lập của Bộ GDĐT thì hệ số lương của giáo viên mầm non thấp nhất trong tất cả các bậc. Cụ thể, giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38.

Cô Trần Thị Hồng Hạnh - giáo viên mầm non tại Vĩnh Phúc cho biết, công việc của nghề nuôi dạy trẻ quá vất vả, thời gian và công sức bỏ ra nhiều nhưng mức lương nhận lại chưa thỏa đáng.

“Lớp tôi chủ nhiệm có 30 trẻ nhưng chỉ có hai giáo viên chăm nom và dạy dỗ nên cực kỳ vất vả. Ngoài việc trông trẻ, các cô giáo còn phải đảm nhiệm nhiều công việc khác như: làm đồ chơi, đồ dùng dạy học, trang trí lớp, họp chuyên môn vào thứ 7 hàng tuần… Giáo án thì vẫn phải soạn đều, đầy đủ bản word và làm powerpoint”- cô Hạnh nói.

Cô giáo này cũng cho biết, ở nông thôn không có trường dạy trẻ đặc biệt, giáo viên phải dạy kèm những trẻ đó thì cực kỳ vất vả. Nhiều trường hợp các em liên tục đập đầu vào tường, lao đầu xuống đất hay tự làm mình bị thương khiến các cô rơi vào thế khó.

"Công việc vất vả nhưng lương thật sự quá thấp. Với những giáo viên mới ra trường thì mức lương chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng/tháng. Hệ số lương của giáo viên mầm non lại thấp nhất, thấp hơn bậc tiểu học và THCS trong khi khối lượng công việc, mức độ áp lực không hề thấp hơn. Với mức lương như vậy giáo viên mầm non không đủ sống” - cô Hồng Hạnh thở dài.

Giáo viên mong mỏi được tăng lương, tăng phụ cấp. Ảnh: LĐO

Cần sớm tăng phụ cấp 

Việc tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên sẽ là giải pháp quan trọng giải quyết đời sống cho giáo viên yên tâm công tác. Vì vậy, cô Quỳnh Anh - giáo viên Trường Mầm non Huy Thượng (Sơn La) rất mong chờ được tăng phụ cấp lên 100% và tăng hệ số lương.

Cô giáo này buồn bã khi lương giáo viên mầm non chỉ làng nhàng không đủ lo cho cuộc sống. Trong khi đó, đối tượng chăm sóc dạy dỗ của giáo viên mầm non là nhóm trẻ có nhận thức chưa cao nên nguy cơ xảy ra rủi ro rất nhiều.

“Số lượng chuyển và bỏ việc nhiều nhất là giáo viên mầm non. Chính bản thân tôi đã nhiều lần đắn đo nên nghỉ hay tiếp tục bám nghề.

Nếu lương thấp như vậy sẽ rất ít thí sinh đăng kí vào nhóm ngành sư phạm. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng ngành giáo dục. Chính vì vậy việc tăng lương và tăng phụ cấp cho giáo viên cần thực hiện sớm” - cô Quỳnh Anh mong mỏi.

Đồng quan điểm, cô Vân Anh - giáo viên Trường THPT Ngô Gia Tự (Hà Nội) khẳng định, việc tăng phụ cấp nghề cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non là hoàn toàn hợp lý.

Vị giáo viên này cho rằng, nếu tăng phụ cấp, chất lượng cuộc sống của giáo viên sẽ được cải thiện, giúp họ chuyên tâm vào giảng dạy.

"Nhìn vào thực tế, đã có rất nhiều giáo viên nghỉ việc bởi chế độ đãi ngộ thấp, mức lương không đủ cho họ trang trải cuộc sống. Tăng lương cơ sở là một tin vui, tuy nhiên ngoài tăng lương cũng cần tăng phụ cấp nghề. Đó như một giải pháp để giữ chân giáo viên ở lại với nghề” - cô Vân Anh nêu ý kiến.

Bộ GDĐT xác định một trong những nguyên nhân thiếu giáo viên là do lương, phụ cấp chưa tương xứng. Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh nâng phụ cấp cho giáo viên, đặc biệt với giáo viên mầm non.

Theo đó, giáo viên thiếu và bỏ việc nhiều nhất là giáo viên mầm non, chiếm trên 40%. Ông đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non. Hiện nay phụ cấp này là 35%, vì vậy đề nghị tăng nhóm này tương tự phụ cấp ưu đãi y tế cấp cơ sở lên 100%, nếu không thì tăng tối thiểu lên 70% ngang mức ưu đãi cũ của y tế cấp cơ sở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn