MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên trường học hiện phải kiêm nhiệm nhiều công việc, nhưng lương và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Ảnh: NVCC

Lương thấp, đãi ngộ chưa thỏa đáng, nhân viên trường học mong được quan tâm

Anh Thư LDO | 24/05/2024 06:30

Nhiều nhân viên trường học chạnh lòng khi phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nhưng chế độ chính sách, thu nhập còn chưa thỏa đáng.

Công việc vất vả

Nhân viên trường học như văn thư, kế toán, thư viện, thiết bị, thủ quỹ, công nghệ thông tin, y tế… đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ nhà trường hoạt động, giúp giáo viên giảng dạy tốt hơn. Dù có nhiệm vụ quan trọng và không thể thiếu trong trường học, nhưng thời gian vừa qua, đời sống của đội ngũ nhân viên trường học rất khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, cô Trần Thị Phượng - công tác tại Trường THCS Nguyễn Hiền (Gia Lai) - cho biết, nhân viên trường học đa số chỉ hưởng lương trung cấp (hệ số khởi điểm 1,86) hoặc tối đa cao đẳng (hệ số khởi điểm 2,1), rất khó được thăng hạng chuyển xếp lương đại học do vướng nhiều quy định, thủ tục.

Như vậy, thu nhập của nhân viên trường học rất thấp, không có các khoản phụ cấp... Trong khi đó, nhân viên trường học phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc như y tế kiêm thủ quỹ, kế toán kiêm văn thư...

“Trong quá trình công tác, nhân viên trường học nói chung và nhân viên thiết bị nói riêng hết sức vất vả. Thời gian làm việc của tôi kéo dài từ 6h45 sáng đến 17h30 chiều. Ngoài việc phải đến sớm để chuẩn bị đồ dùng, tôi thường xuyên ở lại lau dọn, kiểm tra thiết bị, khóa cửa các phòng chức năng. Vì vậy, thời gian làm việc thường phải kéo dài nhiều hơn dự kiến" - cô Phượng nói.

Nữ nhân viên cũng cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng hình thành kỹ năng cho học sinh nên các tiết thực hành rất quan trọng. Do đó, nhân viên thiết bị đóng vai trò rất quan trọng.

"Với công việc đặc thù, tôi phải thực hiện rất nhiều việc. Ví dụ, trong các tiết thực hành, sáng sớm phải có mặt tại trường để chuẩn bị tất cả mọi thứ. Ngoài những việc như soạn bao nhiêu bộ đồ dùng, pha loại hóa chất nào, chuẩn bị ra sao, tôi còn phải kiểm tra thử xem đồ dùng đó có đảm bảo an toàn và đáp ứng được yêu cầu của bài thực hành hay không, rồi mới tiến hành cho giáo viên và học sinh mượn.

Trong quá trình học sinh thực hành tôi phải theo dõi sát sao. Dù không trực tiếp đứng lớp giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho các em nhưng tôi phải luôn phối hợp với giáo viên bộ môn để tiết học có thể diễn ra an toàn nhất. Trung bình một lớp học có 40 - 50 học sinh. Với số lượng nhiều như vậy, tôi phải tham gia vào việc hướng dẫn, hỗ trợ các em tiến hành thí nghiệm. Vì thế, tôi như một giáo viên, trợ giảng trong các tiết thực hành" - cô Phượng chia sẻ.

Mong mỏi nhận được sự quan tâm

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, cô Bùi Thị Dung - nhân viên tại một trường THCS trên địa bàn thành phố Pleiku (Gia Lai) - cho biết, dù đã có hơn 15 năm trong nghề nhưng mức lương của cô vẫn không đủ sống.

"Là một mắt xích quan trọng trong hệ thống giáo dục, các nhân viên trường học ngoài công việc chuyên môn còn phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc, thế nhưng lại có mức lương thấp nhất trong bảng lương" - cô Dung chia sẻ.

Nghe thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Nhà giáo, cô Dung cùng các đồng nghiệp trên cả nước đều mong muốn có thêm chính sách phù hợp dành cho đội ngũ nhân viên trường học.

Đặc biệt, họ mong mỏi đề nghị của Bộ GDĐT về việc nhân viên trường học được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 25% được thông qua. Đây là nguồn động viên to lớn để nhân viên trường học có thêm được thu nhập chính đáng, là động lực để giữ chân họ gắn bó với nghề.

Khi cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024, lương của đội ngũ này sẽ được cải thiện. Đồng thời, nếu được chấp thuận, họ sẽ có thêm 25% phụ cấp, thu nhập sẽ cải thiện đáng kể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn