MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mức học phí của một số trường quốc tế tại TPHCM. Ảnh: Huyên Nguyễn

Lường trước khó khăn dù cho con học trường quốc tế với chi phí cả tỉ đồng

HUYÊN NGUYỄN LDO | 21/05/2020 15:01

Phụ huynh sẽ phải lường trước một số sự việc có thể gặp phải khi quyết định cho con học trường quốc tế nói riêng và trường ngoài công lập nói chung dù mức chi phí lên tới nửa tỉ, thậm chí cả tỉ đồng/năm.

Khó để chuyển trường

Sự việc hàng trăm phụ huynh của cả chục trường quốc tế tại TPHCM, Hà Nội, Bình Dương... phản đối chính sách thu học phí trong thời gian nghỉ dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Hiện tại, chưa có nhiều trường đạt được thoả thuận với phụ huynh.

Thậm chí, tại Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) ở TPHCM, sau nhiều lần đề nghị được đối thoại bất thành, phụ huynh tiếp tục kéo đến trường căng băng rôn, đồng thời yêu cầu giải quyết một số vấn đề khác như chất lượng học tập, bữa ăn...

Có 2 con theo học Trường VAS, chị Nguyễn Hồng cho biết: "Trong hơn 1 tháng qua, dù đã nhiều lần liên hệ với nhà trường trên tinh thần cầu thị, muốn thoả thuận nhưng phụ huynh không nhận được sự hợp tác. Quá chán nản với cách đối xử của một cơ sở giáo dục, tôi muốn chuyển trường khác cho con nhưng lại gặp khó bởi quy định không cho phép chuyển từ trường tư sang trường công. Tôi không lường trước được những khó khăn khi chọn trường cho con", chị Hồng chia sẻ.

Đây cũng là vướng mắc của không ít phụ huynh khi lỡ chọn trường ngoài công lập mà không tìm hiểu trước các quy định.

Theo Quyết định số 51/2002/QĐ-BGDĐT ngày 25.12.2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường THCS và THPT thì việc chuyển trường từ ngoài công lập sang công lập chỉ được xem xét, giải quyết trong 2 trường hợp.

Trường hợp 1 là học sinh phải chuyển nơi cư trú đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà ở đó không có trường ngoài công lập.

Trường hợp 2 là học sinh đang học tại trường THPT ngoài công lập thuộc loại trường có thi tuyển đầu vào, phải chuyển nơi cư trú theo cha, mẹ hoặc người giám hộ, mà ở đó không có trường THPT ngoài công lập có chất lượng tương đương.

Không dễ thoả thuận về các khoản thu

Có lẽ chưa bao giờ, phụ huynh các trường ngoài công lập lại cùng phản đối về chính sách học phí mùa dịch COVID-19 như hiện nay. Đã có phụ huynh của nhiều trường ngoài công lập như Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS), Quốc tế Australia (AIS Saigon), Trường Quốc tế Mỹ (TAS), Hệ thống trường EMASI, Trường Sao Việt (VstarSchool), Trường Tiểu học Newton… gửi đơn kiến nghị, kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng. Nguyên nhân chủ yếu đều do không được thoả thuận.

Không chỉ vậy, những năm qua, nhiều khoản phí mang các tên gọi khác nhau như phí ghi danh, phí giữ chỗ, phí nhập học, phí tuyển sinh,... cũng đã gây bức xúc cho phụ huynh. 

Khi có tranh chấp, cơ quan quản lý nhà nước cũng khó có thể can thiệp vào bởi các khoản thu trường ngoài công lập được coi là thoả thuận dân sự giữa nhà trường và phụ huynh.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho rằng, theo nhà trường việc thu phí này là thỏa thuận, nhưng thực tế phụ huynh đều phản ánh rằng đây là một hình thức thu phí “tự nguyện kiểu ép buộc”. Bởi phụ huynh chấp nhận nộp tiền nhưng không có nghĩa là họ tự nguyện, nếu không nộp thì không đăng ký được cho con vào học.

Khoản thu này đánh vào tâm lí, nhu cầu cấp bách cần tìm trường cho con học của phụ huynh nên phụ huynh rất khó từ chối nộp.

Tỉnh táo trong kiểm định chất lượng

Đánh giá về chất lượng cũng là một điều cần lưu ý khi phụ huynh chọn trường ngoài công lập bởi chương trình học sẽ rất khác với hệ công lập, phụ huynh khó kiểm soát, so sánh.

Ngoài ra, để thu hút phụ huynh với mức học phí cao, các trường sẽ quảng cáo được học chương trình theo tiêu chuẩn quốc tế, liên kết với trường quốc tế. Tuy nhiên, thực chất không ít trường đã bị "bóc mẽ" là chương trình không có phép hay liên kết với trường học "ma".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn