MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí kíp ôn thi đạt điểm 9, 10 môn Tiếng Anh kỳ thi vào lớp 10 THPT. Ảnh: Thiều Trang

Lưu ý làm bài thi môn tiếng Anh để đạt điểm 9, 10

Vân Trang LDO | 01/06/2021 08:21

Để đạt điểm cao bài đọc hiểu và bài viết môn tiếng Anh thi vào lớp 10 THPT, học sinh cần có phương pháp ôn thi hiệu quả trong giai đoạn nước rút hiện nay.

Với mong muốn giúp học sinh có phương pháp ôn luyện môn Tiếng Anh hiệu quả trong giai đoạn nước rút trước kỳ thi vào lớp 10 THPT, thầy Nguyễn Danh Chiến - giáo viên tiếng Anh Trường THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai, Hà Nội), đồng thời là giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI - đã chia sẻ bí quyết làm bài đọc hiểu và bài viết môn tiếng Anh.

Theo thầy Chiến, bài thi vào lớp 10 không có giới hạn từ vựng về các chủ điểm trong hệ thống sách giáo khoa từ lớp 6 đến lớp 9. Vì vậy, học sinh không nên bỏ qua kiến thức của các lớp trước, đó là nền tảng để học sinh đạt trọn vẹn điểm.

Đặc biệt, để làm tốt bài viết môn tiếng Anh, học sinh cần nắm vững những từ thông dụng và từ loại thuộc các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống như: Cuộc sống thành thị, nông thôn; ô nhiễm; bảo vệ môi trường; thiên tai,… đã học. Bên cạnh đó, xây dựng cấu trúc bài viết cho chính mình để gặp những chủ đề tương tự sẽ dễ dàng giải quyết.

This browser does not support the video element.

Thầy Nguyễn Danh Chiến - Giáo viên Tiếng Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) chia sẻ bí kíp làm bài đọc hiểu đạt điểm cao. Video: Tường Vân - Thiều Trang.

Thầy Chiến cũng chia sẻ về dạng bài đọc hiểu trong bài thi môn tiếng Anh lớp 10 THPT. Theo đó, bài đọc hiểu thường có 2 dạng bài, học sinh cần có cách tiếp cận khác nhau.

Thứ nhất là dạng bài đọc hoàn chỉnh với các câu hỏi để học sinh chọn đáp án trả lời. Để làm tốt những bài này, học sinh phải rèn luyện thuần thục kỹ năng đọc lướt, đọc quét.

"Ví dụ đề hỏi nội dung chính của đoạn văn là gì? Đoạn văn nói về cái gì? Tiêu đề nào là tiêu đề phù hợp cho đoạn văn? Đó là những câu hỏi cần đọc lướt để lấy thông tin chính. Lúc này, các em sẽ đọc, tìm xem trong đoạn văn câu chủ đề là câu nào. Thông thường câu chủ đề sẽ nằm ở đầu đoạn hoặc là ở cuối đoạn.

Hay dạng câu hỏi thứ 2 trong bài đọc hiểu là đọc để tìm thông tin chi tiết trả lời một câu hỏi cố định. Ví dụ vì sao? Làm gì? Như thế nào? Những câu hỏi đó đòi hỏi các em phải biết được thông tin nằm ở dòng nào, đoạn nào. Vì vậy, học sinh hãy dùng bút đánh dấu lại thông tin, như vậy mới chính xác và tìm được câu trả lời đúng nhất" - thầy Chiến đưa ra lời khuyên.

Dạng bài tiếp theo của bài đọc hiểu là điền từ vào chỗ trống trong bài. Ở những câu hỏi này, thầy Chiến khuyên học sinh cần nắm chắc kiến thức liên quan đến nghĩa từ vựng, nghĩa ngữ pháp. Nắm chắc từ vựng, ngữ pháp học sinh sẽ dễ dàng hoàn thành dạng bài này.

"Đặc biệt, với những phương án gần giống nhau, các em phải sử dụng phương pháp loại trừ và sau đó quyết định phương án gắn kết với nội dung của bài.

Hãy chắc chắn khi làm xong bài, các em phải kiểm tra lại, đưa ra quyết định cuối cùng. Đặc biệt phải thật cẩn thận, kiểm soát và phân chia thời gian hợp lý, tránh để mất điểm đáng tiếc" - thầy Chiến lưu ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn