MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với cá tính thân thiện, gần gũi, luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, thầy Hùng (áo đỏ) được học trò yêu quý.

“Ly dị” môn Văn: Áp lực thi cử, khiến thầy trò học Văn theo kiểu "nhồi" kiến thức

Bích Hà LDO | 26/10/2017 17:34
Theo thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên dạy Văn tại Trường THPT Anhxtanh- Hà Nội), nếu để học sinh chán môn Văn, có lỗi của giáo viên, chương trình trong sách giáo khoa thiếu thực tế và cả chuyện áp lực thi cử, khiến thầy và trò phải dạy-học theo kiểu “nạp” đủ kiến thức để đi thi.

Cần nhìn lại “thiên chức” của môn Văn trong nhà trường

Chuyện bi - hài, một du học sinh viết đơn “ly dị” môn Văn sau 12 năm gắn bó trong trường phổ thông, vẫn nhận được sự quan tâm của dư luận.

Là một trong những người được nhiều thế hệ học trò đánh giá có phương pháp dạy Văn thu hút học sinh, thầy Nguyễn Phi Hùng chia sẻ, câu chuyện “ly dị” môn Văn khiến không ít thầy cô buồn lòng.

Nguyên nhân của điều này, theo thầy Hùng: “Có lẽ do quan niệm của những người soạn sách, của xã hội vẫn còn thành kiến về thiên chức của môn văn là phải dạy đạo (đạo đức, đạo lý) làm người, hơn là dạy những kỹ năng cụ thể (nghe, nói, đọc, viết), những năng lực cụ thể (trình bày, bình luận, đánh giá, phản biện ...) để phục vụ cho những nhu cầu của con người trong xã hội hiện đại” - thầy Hùng chia sẻ.

"Dù có nhiều đổi mới trong chương trình, nhưng nếu việc kiểm tra, đánh giá vẫn loay hoay với các vấn đề cũ, không có tính thời sự, sẽ khiến học sinh cảm thấy môn Văn không gần gũi với mình".

Cũng theo thầy Nguyễn Phi Hùng, áp lực thi cử (vốn nặng về kiểm tra kiến thức) là một lý do khiến thầy cô phải lên lớp với giáo án nặng về lý thuyết để giúp học trò "nạp" đủ kiến thức làm bài. Các bài học và kiến thức vốn chỉ là phương tiện nay bị biến thành mục đích của việc giáo dục. Còn mục đích thực sự là sự trưởng thành của học sinh lại không được chú ý”.

Dạy Văn, trước hết cần làm cho học sinh yêu Văn

Ngoài thay đổi cách nhìn về thiên chức môn Văn trong nhà trường, theo thầy Hùng, giáo viên cần thay đổi phương pháp để tạo hứng thú cho học sinh: “Nhiều thầy cô quá chú trọng vào việc truyền thụ cho hết kiến thức của bài học mà không chú ý tới việc tiếp nhận của học sinh, không nghĩ đến việc những kiến thức ấy học sinh sẽ tiếp nhận, xử lý và sử dụng ra sao trong cuộc sống của chúng. Chính điều này khiến học sinh ngày càng chán học Văn”.

Thầy Hùng chia sẻ phương pháp dạy Văn của mình: “Với tôi, ở mỗi bài học, tôi luôn cố gắng tìm ra phương pháp truyền đạt kiến thức bằng thứ ngôn ngữ gần gũi với các em.

Ví dụ, nhiều tiết học Văn được biến thành sân khấu kịch. Học sinh rất hào hứng khi nhập vai Chí Phèo, Mỵ Châu, Trọng Thủy; được thực sự sống trong bối cảnh lịch sử của tác phẩm và thỏa trí tưởng tượng khi tìm một cái kết khác. Kết thúc giờ học, các em sẽ thấy mình học được điều gì đó hữu ích, hoặc chí ít, cũng thú vị với việc học Văn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn