MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều năm liền, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với năng lực đào tạo của nhà trường.

Lý do ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bất chấp tuyển sinh vượt chỉ tiêu

Nhóm PV LDO | 18/08/2020 06:30

Bất chấp quy định của pháp luật để tuyển sinh ồ ạt, tuyển vượt chỉ tiêu, có ngành lên đến trên 400%, lý do được Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đưa ra là: Do số lượng sinh viên bỏ học những năm gần đây quá lớn. Theo các chuyên gia, cách giải thích của nhà trường là rất thiếu trách nhiệm với người học.

Tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong nhiều năm

Trong bài viết trước, Lao Động đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác tuyển sinh và đào tạo của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Dù không được Bộ GDĐT giao chỉ tiêu đào tạo, nhưng trường vẫn tuyển sinh “chui” hàng trăm chỉ tiêu văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh.

Nhiều sinh viên các ngành Y đa khoa và Răng Hàm Mặt của trường, đến khi nhận quyết định bị buộc thôi học, họ mới biết mình bị sửa, nâng điểm trong học bạ cao hơn so với thực tế để đủ điều kiện trúng tuyển vào trường. Hiện hồ sơ vụ việc được chuyển cho công an điều tra.

Trường này cũng tổ chức đào tạo một số học phần trình độ thạc sĩ của 19 lớp ngoài trụ sở chính khi chưa được phép của cơ quan quản lý; hồ sơ dự tuyển của một số nghiên cứu sinh có dấu hiệu không phải là hồ sơ dự tuyển...

Ngoài ra, thông tin của Lao Động, thanh tra Bộ GDĐT đã chỉ ra nhiều sai phạm khác trong tuyển sinh trình độ đại học chính quy của trường này. Nhiều năm nay, trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao và năng lực có thể đào tạo của chính nhà trường.

Cụ thể, năm 2018, trường tuyển vượt 30,7% và năm 2019 vượt 46,3% so với chỉ tiêu trường tự xác định. “Điều này vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính  trong lĩnh vực giáo dục”- kết luận Thanh tra Bộ GDĐT nêu rõ.

Riêng năm 2019, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu hàng chục ngành. Ảnh: Kết luận thanh tra Bộ GDĐT

Năm 2019, trường tiếp tục tuyển vượt chỉ tiêu với 10 ngành. Trong đó ngành ngôn ngữ Trung Quốc, chỉ tiêu trong đề án tuyển sinh nộp lên Bộ GDĐT là 250, nhưng thực tế nhà trường tuyển tới  1.106 sinh viên (vượt 442%).

Ngành Răng – Hàm – Mặt cũng tuyển sinh vượt 2,5 lần. Trong đó riêng khóa sinh viên nhập học vào ngành này năm 2019 đã có nhiều người bị đuổi học do phát hiện có dấu hiệu giả mạo trong hồ sơ tuyển sinh.

Theo đại diện thanh tra Bộ GDĐT, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã có giải trình về vấn đề tuyển vượt chỉ tiêu. Nhà trường cho rằng số sinh viên bỏ học những năm gần đây của nhà trường rất cao, vì vậy trường phải tuyển vượt chỉ tiêu để bù lại.

Thiếu trách nhiệm với người học

Nêu quan điểm liên quan đến vụ việc của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, nhà trường đưa ra lý do vì số lượng sinh viên bỏ học và bị đuổi học hằng năm quá lớn nên trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, đây chỉ là cách ngụy biện, cho thấy cách ứng xử thiếu trách nhiệm với người học.

Việc sinh viên bỏ học, hoặc bị đuổi học quá nhiều thì phải xem lại nguồn tuyển, tuyển sinh đầu vào của trường có đảm bảo chất lượng hay không. Nếu chất lượng không đảm bảo mà lại tuyển vượt chỉ tiêu, vượt năng lực đào tạo của nhà trường thì cần xử lý nghiêm theo quy chế.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT). 

“Nếu trường tuyển vượt quá chỉ tiêu, thì Bộ GDĐT phải xử lý nghiêm, ngoài xử phạt hành chính, phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh các năm tới của trường có vi phạm, nhằm siết lại chất lượng đào tạo”- TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Còn theo Luật sư Phạm Hồng Sơn (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), kết luận của Thanh tra Bộ GDĐT đã chỉ ra việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tuyển sinh vượt nhiều chỉ tiêu được giao, nhiều năm liền. Đồng thời chưa đảm bảo điều kiện đào tạo (điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, giáo trình, quy trình, quy chuẩn đánh giá chất lượng…).

 Luật sư Sơn cho rằng, việc làm này của nhà trường có thể gây hậu quả rất xấu đến chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội, cho sự phát triển của đất nước, gây tốn kém tiền bạc, công sức, thời gian cho người học, gia đình họ, cho xã hội.

Đối với việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu theo quy định của pháp luật (tại Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25.1.2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành: Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ), ngoài việc bị xử phạt hành chính, các trường vi phạm sẽ bị thực hiện khấu trừ chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học chính quy năm sau.

Đồng thời, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các sai phạm, báo cáo kết quả việc thực hiện kết luận về Thanh tra Bộ GDĐT.

Luật sư Phạm Hồng Sơn cũng cho rằng: “Việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội buộc thôi học hàng ngàn sinh viên với lý do nợ môn, nợ tiền học phí, mới là từ thông báo của nhà trường, hoàn toàn không có kiểm chứng.

Về vấn đề này các cơ quan thẩm quyền, cụ thể là Thanh tra Bộ GDĐT cần làm rõ lý do. Có phải do tuyển sinh “chui”, sợ bị phát hiện nên phải đuổi học hàng loạt không? Tiền học phí có để ngoài sổ sách không?".

Ngoài ra, trong trường hợp những sinh viên bị buộc thôi học không rõ lý do, thì phải xử lý những người có trách nhiệm trong trường, cụ thể là Ban giám hiệu trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Các sinh viên cũng có thể khởi kiện, tố cáo, tố giác tội phạm tùy theo từng trường hợp cụ thể nếu thấy nhà trường đuổi học một cách vô cớ, để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn