MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ GDĐT vừa công bố báo cáo so sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12. Ảnh: Hải Nguyễn

Lý do Lịch sử có chênh lệch lớn nhất giữa điểm học bạ và điểm thi THPT

Thiều Trang - Đặng Chung LDO | 28/07/2021 14:32

Phân tích kết quả đối sánh trung bình điểm học bạ lớp 12 và điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 giữa các môn học cho thấy, Lịch sử là môn có điểm chênh lệch lớn nhất. Đặc biệt, độ "vênh" ở môn học này của Hà Nội lên tới 3,376 điểm - cao nhất cả nước.

Độ "vênh" cao nhất lên tới 3,376 điểm

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố báo cáo so sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và điểm trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn của từng địa phương. Theo kết quả đối sánh, ở hầu hết các môn, nhiều địa phương có sự chênh lệch theo hướng điểm học bạ cao hơn điểm thi thực tế.

Đặc biệt, Lịch sử chính là môn học có điểm chênh lệch lớn nhất, theo hướng điểm thi thấp hơn điểm học bạ. Cụ thể, điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của cả nước môn Lịch sử là 4,971, trong khi đó điểm trung bình học bạ là 7,659 (độ chênh là 2,689).

Một số địa phương có điểm trung bình học bạ môn Lịch sử xếp loại giỏi, nhưng kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ ở mức trung bình. Ảnh: MOET

Ngoài ra, điểm trung bình học bạ môn Lịch sử của 63 tỉnh, thành đều xếp loại khá trở lên, thậm chí nhiều địa phương có điểm loại giỏi, dao động từ 6,712 (Bắc Kạn) đến 8,310 (Hải Phòng).

Tuy nhiên, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT 2021 của 63 tỉnh, thành chỉ xếp loại yếu và trung bình, không có loại khá, cao nhất là 5,771 (Bình Dương) và thấp nhất là 4,371 (Hà Giang).

Đáng chú ý, độ "vênh" giữa điểm thi và điểm học bạ môn Lịch sử của Hà Nội lên tới 3,376 điểm - cao nhất cả nước. Trung bình điểm học bạ là 8,231, nhưng trung bình điểm thi lại dưới trung bình - 4,855 điểm.

Một số tỉnh, thành khác có độ vênh lớn ở môn này là: Long An với độ "vênh" 3,371 điểm; Phú Yên là 3,366 điểm; Đà Nẵng là 3,061 điểm.

Lý do độ chênh giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp cao

Trước đó, theo kết quả phân tích phổ điểm của Lao Động, Lịch sử là môn có kết quả thi thấp nhất trong tất cả các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, khi có 52,03% số thí sinh có điểm thi dưới trung bình.

Ngoài ra, Lịch sử cũng là môn có số lượng thí sinh có điểm liệt nhiều nhất, với 540 thí sinh có điểm thi <= 1 điểm (chiếm tỉ lệ 0.08%).

Với hình thức trắc nghiệm, nhiều câu trong đề thi Lịch sử được đánh giá là "tránh liệt" nhưng nhiều thí sinh vẫn không qua 1 điểm.

Việc điểm thi môn Lịch sử thấp không bất thường. Bởi, so sánh điểm môn Lịch sử trong 3 năm gần đây, có thể thấy Lịch sử luôn ở khu vực cuối bảng trong kỳ thi THPT.

Điểm trung bình môn Lịch sử 4 năm trở lại đây. Biểu đồ: Đặng Chung

Nhiều năm có điểm thi tốt nghiệp chưa thể "thoát đáy" - nằm trong top có điểm thi thấp nhất, nhưng tại sao điểm trung bình học bạ của môn học này lại cao? Chẳng hạn ở năm nay, điểm học bạ ở mức giỏi, còn trung bình điểm thi lại dưới 5.

Theo nhận định của nhiều giáo viên, điểm thi môn Lịch sử thấp một phần do đề thi năm nay tăng độ khó so với năm 2020. Ngoài ra, vấn đề dạy và học môn Lịch sử cũng là một vấn đề nan giải của giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay.

Trước nay, học sinh Việt Nam thường không chú trọng môn này, cho rằng Lịch sử là "môn phụ", nặng lý thuyết, không hấp dẫn nên không thích học. Nhiều thí sinh có tâm lý chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội (có môn Lịch sử) để "tránh" điểm liệt, chỉ cần đủ điều kiện xét tốt nghiệp.

Còn vì sao điểm trung bình học bạ của môn học này lại cao, dẫn đến có sự chênh lệch lớn với điểm thi tốt nghiệp THPT?

Theo lý giải của Bộ GDĐT, mức chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi của môn Lịch sử cho thấy việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp THPT. Qua đó thấy rằng, kết quả học tập môn Lịch sử của học sinh còn hạn chế; quá trình kiểm tra, đánh giá môn này trong trường phổ thông có phần "rộng" hơn.

So sánh điểm trung bình học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT 2021. Biểu đồ: Thiều Trang

Còn theo GS.TS Đỗ Thanh Bình - Giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có hai khả năng dẫn đến độ chênh lớn trong điểm thi và điểm học bạ ở môn Lịch sử.

Một là giáo viên "nới tay" khi kiểm tra, đánh giá học sinh trong quá trình dạy và học. Thứ hai là đề thi môn Sử trong kỳ thi quốc gia chưa phù hợp và sát với năng lực thực tế của học sinh.

"Sau khi Bộ GDĐT công bố kết quả so sánh môn Lịch sử, tôi được rất nhiều ý kiến từ giáo viên, bày tỏ nỗi buồn. Nhiều giáo viên nói rằng họ đã cố gắng hết sức trong quá trình giảng dạy, nhất là dạy học trực tuyến để phòng dịch.

Ngoài ra, giáo viên là người đứng lớp, trực tiếp dạy học sinh, hiểu rõ năng lực của từng trò, nên xây dựng đề kiểm tra trên lớp sẽ sát với năng lực học sinh" - GS Bình chia sẻ.

Quan điểm của GS Bình là đề thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 chưa sát với năng lực thực tế của học sinh. Đề thi có nhiều câu đòi hỏi sự so sánh, tổng hợp, phân tích các kiến thức lịch sử; chưa phù hợp với mục tiêu phục vụ xét tốt nghiệp và tình hình dạy học gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn