MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Lý do Ngoại ngữ không là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Bích Hà LDO | 17/11/2023 06:39

Theo nhiều chuyên gia, môn Ngoại ngữ không bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là hợp lý. Không phải cứ thi thì năng lực ngoại ngữ của học sinh sẽ tốt lên.

Theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ theo phương án thi 4 môn (2 + 2), gồm: 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Bộ GDĐT cho rằng, phương án thi tốt nghiệp THPT này giúp giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội, do giảm số môn thi và số buổi thi so với hiện nay.

Những giờ qua, một số ý kiến cho rằng, nếu không bắt buộc thi môn Ngoại ngữ sẽ là bước thụt lùi, học sinh sẽ không chịu học ngoại ngữ.

Không đồng tình với quan điểm trên, dẫn thực tế từ địa phương mình, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An cho biết, cách đây khoảng 5 năm, chất lượng dạy và học tiếng Anh ở mức thấp, sau khi tỉnh có những cơ chế tác động tới người dạy, người học, quan tâm tới môi trường học tập, chất lượng dạy và học tiếng Anh đã từng bước nâng lên.

“Muốn dạy học tiếng Anh tốt cần có cơ chế tác động tới giáo viên, học sinh và có môi trường học tập chứ không phải thi là kết quả ngoại ngữ sẽ tốt lên”, ông Thành nêu quan điểm.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải thay đổi quan điểm “học để thi”, “vì thi nên mới học”.

Thực tế, ai cũng biết ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh có vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nhưng việc cần làm nhất lúc này là làm sao đổi mới phương pháp dạy học ngoại ngữ để phát triển năng lực của học sinh, để học sinh học tập trong nhà trường cũng có thể sử dụng được với đầy đủ 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, chứ không phải là học chỉ để phục vụ cho mục đích thi cử.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng ủng hộ phương án 2 + 2, chỉ cần 2 môn bắt buộc là Toán và Văn.

“Tôi chọn phương án 2+2 mà Bộ GDĐT đề xuất. Về lý luận, bản chất của giáo dục phổ thông là trang bị kiến thức kỹ năng nền tảng. Kỳ thi một mặt xét tốt nghiệp THPT, mặt khác đánh giá chất lượng dạy và học, cung cấp dữ liệu cho giáo dục đại học, nghề nghiệp. Về pháp lý, phương án 2+2 thực hiện đúng chủ trương giảm áp lực, tốn kém cho xã hội. Đặc biệt sẽ không gò bó trong khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên. Đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng trong tất cả các môn học”- TS Lan nêu quan điểm.

Ngoài ra, hiện nay các trường đại học được tự chủ tuyển sinh, trong đó tiêu chí về ngoại ngữ được nhiều trường sử dụng làm đầu vào xét tuyển. Học sinh cũng hiểu vai trò của ngoại ngữ, sẽ giúp các em có thêm cơ hội trong xét tuyển đại học, nên sẽ chủ động đi học để phát triển cả bốn kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết chứ không chỉ luyện ngữ pháp để phục vụ mục đích thi tốt nghiệp THPT.

Khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo với khoảng 18.000 cán bộ, giáo viên ở một số tỉnh thành hồi tháng 8 cho thấy, 60% chọn phương án 2+2, với Toán và Văn là môn thi bắt buộc.

Trong phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hôm 14.11, đa số đại biểu cũng ủng hộ phương án này.

Với một kỳ thi có quy mô tầm quốc gia, xã hội đều quan tâm và kỳ vọng kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ kế thừa được kết quả của những giai đoạn trước, đảm bảo phân cấp phân quyền, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở. Điều kỳ vọng lớn nhất là kỳ thi cần tổ chức theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh, sự công bằng cho học sinh giữa các vùng miền. Phương án thi với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn như trên đã đáp ứng được những tiêu chí quan trọng này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn