MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh so sánh đề ôn thi môn Sinh của thầy giáo Phan Khắc Nghệ với đề thi chính thức

Lý giải tại sao 80% đề ôn thi môn Sinh học giống đề thi thật

Tường Vân - Thiều Trang LDO | 14/07/2021 21:20
Trước những băn khoăn về việc có hay không đề ôn thi môn Sinh học trúng tới 80% đề thi thật, thầy Phan Khắc Nghệ đã đưa ra lời giải đáp chi tiết.

Băn khoăn đề ôn thi "trúng tủ" tới 80% đề thi thật

Vụ việc bắt đầu từ những nghi vấn của thầy giáo Đinh Đức Hiền khi đề ôn tập của thầy giáo Phan Khắc Nghệ và đề thi tốt nghiệp THPT chính thức môn Sinh học có tỉ lệ tương đồng tới 80% (32/40 câu).

Bày tỏ ý kiến về vấn đề trên, một số thầy cô giáo nhận định đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh không thực sự sát với đề minh họa của Bộ GDĐT. Trong khi đó, thầy Nghệ "suy đoán" trúng tới 80% cũng là điều đáng băn khoăn. Vì quy trình các bước trong khâu ra đề thi được Bộ thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt. Do đó, khó có chuyện lộ đề thi ra bên ngoài.

"Theo tôi, chỉ có khả năng thầy giáo suy đoán đề thi dựa trên kinh nghiệm ôn thi. Nhưng để đúng đến 80% thì cũng là điều hơi khó hiểu bởi trước đến nay chưa từng có tiền lệ. Còn thực tình sự việc ra sao, vẫn cần chờ đến xác minh của Bộ và các cơ quan có thẩm quyền." - Một giáo viên dạy môn Sinh học tại Hà Nội chia sẻ.

Về phía thí sinh, cũng có nhiều băn khoăn xoay quanh vấn đề này. Nguyễn Kim Lệnh (Long Biên, Hà Nội) – thí sinh vừa tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 cho rằng, việc đề thi giống đến 80% là điều rất hiếm khi xảy ra. Đối chiếu hàng trăm mã đề Kim Lệnh đã từng ôn tập với đề thi tốt nghiệp THPT đợt 1 thì xác suất trùng lặp rất thấp.

“Theo kinh nghiệm ôn thi của em, nếu là ngữ liệu lấy từ sách giáo khoa thì có thể trùng lặp một vài câu, nhưng nếu là ngữ liệu lấy từ bên ngoài và lấy từ nhiều nguồn khác nhau sau đó xáo trộn và xếp đề mà "trùng hợp" nhiều thế thì rất khó hiểu” – Kim Lệnh nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm trên, Lê Thị Trang (Thanh Hóa) cũng cho rằng, phần câu hỏi thông dụng có thể “trúng tủ”, còn những câu có hình ảnh thì rất khó trùng lặp.

"Ôn trúng đề không có gì là lạ"

Trao đổi với Lao Động về những băn khoăn trên, thầy Phan Khắc Nghệ khẳng định: "Về mặt nguyên lí, tôi đã luyện thi nhiều năm và năm nào cũng ôn sát với nội dung đề thi. Theo đó, nội dung thi nó chỉ nằm 1% trong số lượng tôi dạy. Tất cả đều bám sát nội dung giảng dạy, từ tôi - người dạy cho đến học sinh - người luyện thi. Nên việc ôn thi trúng đề là chuyện bình thường của các giáo viên có kinh nghiệm.

Trong 80% "trúng đề", thì có một số câu trúng y nguyên bởi vì đó là những câu cơ bản, ở mức độ nhận biết kiến thức trong sách giáo khoa nên khó có thể khác được. Còn một số câu thì không đúng ý nguyên nhưng nội hàm của nó thì giống, tức là nội dung tôi dạy thì bao gồm kiến thức thi được ra."

Thầy Nghệ cũng cho rằng, không riêng gì môn Sinh, hay bất kì giáo viên môn nào, ở phần 6,7 điểm là phần cơ bản và trong đề thi thử của Bộ ra vào tháng 3 cũng có phân chia rõ như vậy. Nên việc ra trúng đề thì không có gì lạ.

"Ở phần 3 câu khó (phân loại học sinh), thì vào 2 buổi cuối cùng ôn tập trước khi thi, các giáo viên ôn thi sẽ có phần dự đoán. Trong đó, có một câu thực hành theo đúng đề minh họa của Bộ. Năm ngoái, đề ra phần động vật rồi thì năm nay tôi đoán là vào phần thực vật. Đó hoàn toàn là logic luyện đề của tôi" - thầy Nghệ phân tích.

Giải thích về phần hình ảnh của các đảo ở câu tiến hóa, thầy Nghệ cho biết, nhiều năm gần đây, người ra đề thường lấy ý tưởng từ đề thi thử ở một số tỉnh như: Nghệ An, Nam Định, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình, bởi đây đều là những đề rất chất lượng. Và phần hình ảnh này đã có trong đề thi thử của tỉnh Nghệ An năm nay.

"Với một số câu vận dụng, tôi có hướng dẫn học sinh sử dụng các khái niệm biến thể từ sách giáo khoa, đề có thể ra giống hoặc không nhưng bản chất là vậy. Không ngờ là Bộ lại ra đúng y nguyên câu tôi dạy.

Về việc cơ quan chức năng vào cuộc để xem xét là điều tất yếu, bởi những băn khoăn của thầy Hiền hoàn toàn là có căn cứ." - thầy Nghệ cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn