MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ma trận kiến thức đề thi THPT quốc gia 2020 học sinh cần biết

Bích Hà LDO | 04/04/2020 20:02
Một trong những việc quan trọng để chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia 2020 là giáo viên cần giúp học sinh xây dựng ma trận kiến thức với từng môn học để tránh gặp áp lực trong việc ôn tập.

Trong đó, đề thi tham khảo THPT quốc gia 2020 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố được xác định là một căn cứ quan trọng để giáo viên khái lược những kiến thức, dạng bài có thể xuất hiện trong đề thi thật, từ đó có định hướng cho học sinh.

Từ nhu cầu này, giáo viên của Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã có những phân tích về ma trận kiến thức xuất hiện trong đề thi tham khảo THPT quốc gia 2020, giáo viên và học sinh cả nước có thể tham khảo để xây dựng kế hoạch ôn tập cho mình.

Dưới đây là ma trận kiến thức trong đề thi tham khảo tổ hợp môn Khoa học xã hội:

90% câu hỏi thuộc chương trình lớp 12

 Bảng ma trận kiến thức trong đề thi tham khảo THPT quốc gia 2020.

Bài thi Khoa học xã hội (gồm 3 bài thi thành phần Địa lí, Lịch sử và Giáo dục công dân) vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GDĐT đã công bố.

Trong đó, 90% câu hỏi vẫn thuộc chương trình lớp 12, 10% câu hỏi thuôc lớp 11. Phần lớn câu hỏi lớp 12 thuộc chương trình học kì I. Đề thi không xuất hiện những câu hỏi thuộc phần tinh giản.

70% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 30% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Các câu ở mức độ nhận biết chủ yếu thuộc chương trình lớp 12, một số ít rơi vào lớp 11.

Đề Địa lý có tỉ lệ câu hỏi thực hành cao; Lịch sử, Giáo dục công dân giảm độ khó

Với môn Lịch sử, có khoảng 20% tổng số câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Phân tích ma trận kiến thức môn Lịch sử. 

Một số câu hỏi khó như: Câu 31, câu 34, câu 39. Đây là những câu hỏi so sánh hoặc phân tích, học sinh phải hiểu bản chất của sự kiện và có cái nhìn khái quát các sự kiện mới có thể trả lời được. Các câu hỏi đều tập trung vào đặc trưng của các sự kiện lịch sử, không đi sâu vào chi tiết. Nội dung các câu hỏi cũng là những vấn đề rất quen thuộc với học sinh, đã xuất hiện nhiều trong các đề thi trước đó.

Với môn Địa lí:  Tỉ lệ câu hỏi thực hành cao, chiếm 40%. Đây là cơ hội lấy điểm cho học sinh. Hơn 50% số câu hỏi ở mức độ Nhận biết và Thông hiểu thuộc phần sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam để trả lời. Những nội dung còn lại đều là những quy luật cơ bản của địa lí.

Một số câu hỏi khó như câu 68, 71, 74. Trong đó câu 68 là câu thực hành kĩ năng Địa lí, học sinh phải nắm được công thức tính tỉ lệ gia tăng tự nhiên của dân số, sau đó phải so sánh giữa các quốc gia. Những câu còn lại đòi hỏi học sinh phải có kiến thức thực tế kết hợp với những kiến thức đã học để trả lời.

Với môn Giáo dục công dân:  Đề bài vẫn đảm bảo tính thời sự khi đưa những vấn đề trong cuộc sống vào các câu hỏi tình huống: câu 106, câu 111.

Tỉ lệ câu hỏi thực hành giảm so với đề thi THPT quốc gia 2019, chỉ còn 25% (đề 2019 là 37,5%). 

Các câu hỏi ở mức Nhận biết và thông hiểu đều tập trung vào nội dung của các quyền của công dân, hoặc các khái niệm cơ bản của quá trình lao động sản xuất.

Các câu hỏi ở mức Vận dụng và vận dụng cao là những câu hỏi yêu cầu giải quyết tình huống thuộc các chuyên đề: Thực hiện pháp luật, Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, Công dân với các quyền tự do cơ bản.

Một số câu hỏi khó như: câu 115, 117 là những câu hỏi vừa chứa yếu tố phủ định, hoặc kết hợp nhiều yêu cầu, độ nhiễu cao, học sinh cần phân tích kĩ để tìm ra đáp án đúng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn