MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mất trắng 260 triệu vì tin cuộc điện thoại "con cấp cứu, chuyển tiền gấp"

Thiều Trang LDO | 15/03/2023 06:08

Một phụ huynh ở Cầu Giấy, Hà Nội vừa bị lừa 260 triệu đồng vì tin vào cuộc gọi "con bị tai nạn đang cấp cứu, phải chuyển tiền gấp để phẫu thuật".

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, chị N.T.M.H (Cầu Giấy, Hà Nội) chưa hết bàng hoàng khi kể lại câu chuyện gia đình bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 260 triệu đồng bằng chiêu thức tinh vi.

Khoảng 7h45 sáng ngày 13.3, sau khi tới cơ quan, chồng chị H nhận được cuộc gọi từ đối tượng tự xưng là cô giáo của con - cháu H.M đang học tại Hoà Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với nội dung: "Cháu H.M  bị tai nạn, đang cấp cứu ở viện Thu Cúc (Tây Hồ), cháu bị chảy máu tai, hôn mê, mất rất nhiều máu, hiện giờ phải truyền máu gấp mà cô giáo đưa đi cấp cứu gấp nên không mang theo tiền".

 Các vụ gọi điện lừa đảo "con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp" xuất hiện tại Hà Nội. Đồ hoạ: Vân Trang

Nhận được tin dữ, chồng chị H tức tốc về nhà đón vợ cùng đi đến địa điểm được cung cấp. Trên đường đi, chị H bán tín bán nghi đặt nghi vấn: "Con học ở Hoà Lạc khi gặp tai nạn phải cấp cứu ở bệnh viện gần chứ khó đưa sang tận Thuỵ Khuê". Nhưng chuông điện thoại liên tục réo đã cắt ngang dòng suy nghĩ, các đối tượng hối thúc gia đình chuyển khoản, cảnh báo tình trạng của con rất nguy kịch, thúc giục bố mẹ tới ngay.

“Đối tượng trên gửi địa chỉ là Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc (Tây Hồ), đồng thời gửi số tài khoản ngân hàng. Đó không phải số tài khoản của bệnh viện mà là của một người tên Trần Quang Vinh và nói đó là của bác sĩ. Chúng liên tục gọi điện thúc giục, xung quanh là tiếng còi hú xe cấp cứu, tiếng y tá, bác sĩ gấp gáp khiến tôi không thể bình tĩnh và đã chuyển 30 triệu đồng đầu tiên.

Sau khi chuyển xong, tôi liên tục nhận được cuộc gọi hối thúc “chị chuyển nhanh lên”, “chị chuyển xong thì lên đây giải quyết” và khẳng định chưa nhận được tiền. Tôi tiếp tục chuyển thêm 30 triệu đồng lần thứ 2. Trên đường đi liên tục bị gọi điện, gọi nhiều đến mức tôi và chồng không có thời gian định hình lại sự việc" - chị H kể lại.

Sau khi đã nhận được 60 triệu đồng, các đối tượng vẫn liên tục gọi điện thúc giục gia đình tới bệnh viện nhanh. Khi biết chị H gần tới nơi, các đối tượng chuyển hướng sang một kịch bản  tinh vi hơn. Chúng chuyển máy cho chị H nói chuyện với một người tự xưng là bác sĩ với nội dung:

"Cháu H.M đang mất máu rất nhiều và hiện tại không thể cầm máu, phía bệnh viện quyết định chuyển cháu sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sẽ có bác sĩ giỏi đi cùng truyền máu cho cháu, thiết bị tân tiến nhưng chi phí cần tạm ứng trước là 100 triệu đồng".

Bị các đối tượng liên tục gọi điện và thông báo tình trạng của con mình ngày một trở nặng, chị H lo lắng, suy sụp tới mức nghĩ rằng nếu không chuyển tiền sẽ không thể gặp con lần cuối, chị quyết định chuyển thêm 100 triệu đồng. 

Tương tự như lần trước, các đối tượng lừa đảo báo không nhận được tiền. Chị H lưỡng lự, bán tín bán nghi có nên chuyển tiếp hay không thì được đối tượng tự xưng bác sĩ báo rằng con đang sốc và có hiện tượng co giật.

“Lúc bấy giờ, tiếng còi xe cấp cứu dồn dập, tôi cuống cuồng như bị điều khiển lại tiếp tục chuyển thêm 100 triệu đồng nữa" - chị H nhớ lại.

Chị H đã chuyển cho đối tượng lừa đảo 260 triệu đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau khi đã lừa được 260 triệu đồng, đối tượng lừa đảo vẫn không có ý định dừng lại. Đầu dây bên kia mô tả tình trạng của con chị nặng hơn, cần phải truyền máu, chuyển điện thoại cho bác sĩ nói cần thêm 40 triệu đồng. Lúc này, chị H mới bừng tỉnh, cúp máy và gọi điện cho con trai.

"Tôi gọi thì con tắt máy, nhắn tin mới biết con đang trong lớp học nên không thể nghe máy. 

Lúc bấy giờ, vợ chồng tôi mới biết mình bị lừa. Tôi vào công an để trình báo sự việc và đến ngân hàng để kiểm tra tài khoản thì phát hiện đó là tài khoản ảo, khi tiền vào tài khoản đó sẽ lập tức chuyển tiền sang một tài khoản khác.

Cả một quá trình lừa đảo diễn ra nhanh chóng, kịch bản tinh vi khiến tôi bị cuốn theo. Tôi bị thúc giục tới mức không có thời gian để gọi điện xác minh hay gọi điện báo cho người nhà. Mặc dù đã đặt ra những nghi vấn nhưng tôi và chồng không còn đủ sự bình tĩnh để nhìn nhận và suy xét sự việc" - chị H thở dài.

Sau sự việc, chị N.T.M.H muốn gửi cảnh báo đến tất cả phụ huynh trên cả nước. Đây không phải một sự việc mới, mà đã được phản ảnh rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mọi người hãy chăm chỉ đọc tin tức để biết những chiêu trò tinh vi của kẻ lừa đảo, người dân cũng cần bình tĩnh, xác minh cẩn thận, chính xác nguồn tin trong mọi trường hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn