MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc chọn ngành học thực tế sẽ diễn ra vào năm thứ 2-3 sau khi sinh viên có thời gian tìm hiểu về ngành nghề nhiều hơn. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Mở ngành học "không ngành" để thoát cảnh sinh viên bị đuổi học

HUYÊN NGUYỄN LDO | 14/05/2018 16:53
Xuất phát từ thực tế, sinh viên bị đuổi học là do học không đúng ngành yêu thích dẫn đến không còn động lực và đam mê học tập, từ đó có kết quả kém, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nghề nghiệp, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vừa công bố tuyển sinh ngành học “không ngành” để "ứng phó" với hiện tượng này.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM vừa công bố tuyển sinh ngành học “không ngành”. Hội đồng trường đã quyết định tuyển sinh ngành này trong năm nay với chỉ tiêu là 100, điểm nhận hồ sơ là từ 24 điểm trở lên.

Khi trúng tuyển vào trường, sinh viên sẽ học khối kiến thức chung mang tính nền tảng. Trong 1-2 năm học kiến thức cơ bản, nhà trường sẽ cho sinh viên tìm hiểu các phòng thực hành thí nghiệm, tiếp xúc với doanh nghiệp, tham quan xí nghiệp, trò chuyện với các chuyên gia hoặc cựu sinh viên thành đạt để sinh viên có thể quyết định chọn bất kỳ ngành học nào của trường phù hợp với mình ở năm thứ 2, 3.

Lí giải nguyên nhân mở ngành, ông Dũng cho biết: Xuất phát từ thực tế là qua khảo sát sinh viên bị đuổi học hằng năm (khoảng 200 - 250 sinh viên/năm), lãnh đạo trường nhận thấy các em nghỉ học đa số vì học không đúng ngành yêu thích dẫn đến không còn động lực và đam mê học tập, từ đó có kết quả kém.

Bên cạnh đó là công tác tư vấn tuyển sinh tuy đã rộng rãi nhưng nhiều thí sinh ở nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn chưa tiếp cận được nhiều thông tin để chọn ngành mình đam mê và có sở trường.

Một lí do nữa là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sắp tới mang đến nhiều ngành mới, đồng thời cũng triệt tiêu nhiều ngành. Nghề nghiệp và yêu cầu công việc sẽ liên tục thay đổi. Với 3 lí do trên, nhà trường đã quyết định mở ngành "không ngành".

"Đào tạo theo hướng không ngành như trên có thể giúp sinh viên nắm bắt xu hướng việc làm tốt hơn. Vì có khi sinh viên chọn ngành học, đến 2-3 năm sau ngành này sẽ biến mất hoặc không còn cần nhân lực nữa. Học không ngành sẽ tạo điều kiện cho sinh viên chọn ngành phù hợp với mình nhất", ông Dũng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn