MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trần Thị Mai - Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy trường ĐH Dân lập Hải Phòng - trả lời Báo Lao Động. Ảnh cắt từ Clip

Mở trường, cho thuê hạ tầng sai quy định?

TIẾN NGUYỄN LDO | 01/10/2019 06:54

Ngoài hoạt động tuyển sinh bất thường, Trường Đại học (ĐH) Dân lập Hải Phòng còn bị những cổ đông sáng lập, Hội đồng quản trị khóa 1 và người góp vốn tố có nhiều sai phạm trong việc mở Trường Mầm non Hữu nghị Quốc tế và cho thuê tài sản gắn liền với đất để mở Trường Tiểu học, THCS, THPT Hữu Nghị.

Mở trường mầm non trong ĐH Dân lập

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Ngô Văn Hiển - nguyên Phó Chủ nhiệm phụ trách Bộ môn Xây dựng, thành viên góp vốn Trường ĐH Dân lập Hải Phòng - cho biết: Không chỉ có nhiều bất thường trong hoạt động tuyển sinh, Trường ĐH Dân lập Hải Phòng còn sai phạm trong việc mở Trường mầm non Hữu nghị Quốc tế và cho thuê tài sản gắn liền với đất để mở Trường Tiểu học, THCS, THPT Hữu Nghị.

Theo ông Hiển, ngày 10.4.2009, Trường ĐH Dân lập Hải Phòng có Tờ trình số 406, do Hiệu trưởng nhà trường Trần Hữu Nghị ký, về việc xin mở Trường mần non Hữu nghị Quốc tế. Đến ngày 28.8.2009, Chủ tịch HĐQT lâm thời nhà trường Bùi Tá Ký đã ký văn bản nhân sự Trường mầm non Hữu nghị Quốc tế. Trên cơ sở đó, ngày 4.9.2009, UBND quận Lê Chân đã ban hành văn bản số 1703 Quyết định về việc cho phép thành lập Trường Mầm non Hữu nghị Quốc tế. Theo đó, Trường Mầm non Hữu nghị Quốc tế được đặt tại khu liên hiệp thể thao-khách sạn sinh viên trường ĐH Dân lập Hải Phòng (phường Kênh Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng) và loại hình trường là mầm non tư thục. Ngày 6.12.2012, Phòng Giáo dục quận Lê Chân đã ban hành Quyết định số 94 cho phép hoạt động giáo dục Trường mần non Hữu nghị Quốc tế.

Tuy nhiên, theo quy định, một trong các điều kiện để thành lập trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT là nhà trường phải có đất đai, vốn, cơ sở hạ tầng… Thế nhưng, tại thời điểm đó, Trường ĐH Dân lập Hải Phòng chưa chuyển đổi thành trường tư thục, do vậy việc thành lập trường mầm non trong khuôn viên của trường là không đúng quy định.

Mặt khác, Trường ĐH Dân lập Hải Phòng hình thành do vốn góp của những người sáng lập, HĐQT và cán bộ, giảng viên, công nhân viên (CNV), nhưng hồ sơ thành lập trường mầm non không có văn bản biểu quyết của HĐQT Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho phép hoặc đồng ý cho hiệu trưởng nhà trường làm tờ trình xin thành lập trường. Tờ trình nhân sự trường mầm non do ông Trần Hữu Nghị làm chủ tịch khi đó đã 73 tuổi là đi ngược với quy định tại khoản 2 điều 13, quyết định số 41 của Bộ GDĐT, quy định nhân sự không quá 65 tuổi.

Đồng thời, trường mầm non được cấp theo loại hình tư thục, là pháp nhân độc lập, nên bắt buộc phải có trụ sở, con dấu và tài sản riêng. Song, quận Lê Chân và Phòng GDĐT quận Lê Chân vẫn “nhắm mắt làm ngơ”, ban hành quyết định cho phép trường hoạt động.

Tương tự, Trường Tiểu học, THCS, THPT Hữu Nghị được nhà trường cho thuê tài sản gắn liền với đất trái quy định. Tại thời điểm cho thuê, Trường ĐH Dân lập Hải Phòng vẫn chưa chuyển thành trường tư thục, do vậy tài sản gắn liền với đất không được phép cho thuê bởi trái với quy định tại điều 53 quy chế trường Đại học Dân lập - ông Hiển cho hay.

“Lách luật”?

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, nói rằng: 10 năm trước, Trường ĐH Dân lập Hải Phòng đã làm đề án mở trường đa cấp trong trường ĐH, có mời các cơ quan chức năng đến để thẩm định. Tuy nhiên, đề án không được duyệt vì trường dân lập không mở được trường tư thục.

Trường ĐH Dân Lập Hải Phòng như một doanh nghiệp, nên phải có trường mầm non để đảm bảo quyền lợi cho các phụ huynh học sinh là cán bộ, giảng viên, CNV đi làm trong trường. Vì vậy, ngày 4.9.2009, nhà trường mở trường mầm non trực thuộc trường ĐH Dân lập Hải Phòng. Tiền đầu tư đều của anh em trường ĐH Dân lập. HĐQT là do trường ĐH dân lập cử sang. Cán bộ CNV trường mầm non do ĐH Dân lập tuyển chọn. Mọi chế độ đều hưởng theo chế độ của trường ĐH Dân lập. Tuy nhiên, trường mần non được hạch toán độc lập, có con dấu riêng, tài chính riêng để tự giải quyết vấn đề, đảm bảo thu chi. Riêng Đảng, công đoàn đều trực thuộc ĐH Dân lập Hải Phòng.

Đối với việc mở trường Tiểu học, THCS, THPT, theo ông Trần Hữu Nghị, gần đây nhất, sau khi có đề án, TP.Hải Phòng cho biết, hiện nay chưa chuyển trường dân lập sang tư thục. Với nhà trường, hoặc là để vậy, hoặc là tìm cách làm thế nào có trường đa cấp cung cấp nguồn có chất lượng. Một cá nhân cũng có thể mở được trường nên chúng tôi chọn phương án nhóm người đứng ra mở trường, không phụ thuộc vào trường dân lập; còn tương lai khi trường ĐH Dân lập chuyển sang tư thục thì lại khác. Việc thuê tài sản gắn liền với đất là thỏa thuận, ký kết đôi bên giữa hiệu trưởng bên kia (trường Tiểu học, THCS, THPT Hữu Nghị - PV) và HĐQT lâm thời bên này (Trường ĐH Dân Lập Hải Phòng). Việc này phục vụ cho Trường ĐH Dân lập Hải Phòng trong tương lai, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn