MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Soha

Mỗi năm 2.000 trẻ em Việt tử vong vì đuối nước: Cao nhất Đông Nam Á

Đặng Chung LDO | 22/03/2019 16:12
Hằng năm, đuối nước lấy đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam. Con số này đã khiến Việt Nam trở thành nước có tỉ lệ trẻ em đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Những câu chuyện đau lòng

Ngày 21.3, trong lúc ra tắm sông Đà, 8 học sinh ở Hòa Bình bị đuối nước, tử vong thương tâm. Sự cố xảy ra đã khiến khu phố nhỏ của TP.Hòa Bình bao trùm tang thương, 8 bàn thờ chỉ bày hoa cúc trắng. Trong số các em gặp nạn, có người không biết bơi.

 Vụ tai nạn đuối nước thương tâm vừa xảy ra ở Hòa Bình. Ảnh:  FB

Cách đây hơn 1 tháng, 8 học sinh cùng lớp ở Quảng Nam rủ nhau đi tắm biển cũng bị đuối nước. 6/8 học sinh bị thiệt mạng, mất tích. Buổi học trong ngày đầu năm của ngôi trường nơi các em theo học diễn ra trong cảnh đẫm nước mắt, tiếc thương.

Mỗi khi vụ việc liên quan đến tai nạn đuối nước xảy ra đã để lại sự chua xót, day dứt, ân hận và tiếng "giá như" của người lớn.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), giai đoạn 2015-2017, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Năm 2018, tỉ lệ trẻ em bị đuối nước đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với khu vực.

Một số liệu khác của Bộ LĐTBXH cho thấy, chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và THCS ở Việt Nam biết bơi. Trong khi đó, tỉ lệ đuối nước chiếm 50% các vụ tai nạn tử vong, thương tích ở trẻ em.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH) - đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu cha mẹ chú trọng đến việc dạy kỹ năng cho con em mình. Việc đầu tiên là phải dạy trẻ biết bơi.

Ông dẫn chứng, tại các nước phát triển như Úc, Newzealand, trẻ biết bơi trước khi biết đi, thì tại Việt Nam tỉ lệ trẻ em biết bơi, đặc biệt là bơi cứu đuối, tự cấp cứu còn rất thấp. Trong khi đó, môi trường sống của trẻ Việt Nam lại có nhiều ao hồ, mương, kênh, rạch, sông , suối… tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An nhấn mạnh, việc dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em. Việc dạy này phải thường xuyên như dạy trẻ tập "mốt-hai" trong trường học.

Có hình thức khuyến khích học sinh học bơi

Lo lắng trước việc Việt Nam nhiều bờ biển, sông hồ, nhưng tình trạng trẻ em bị đuối nước ngày càng tăng, năm 2018, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã kiến nghị cần luật hóa việc học sinh ra trường phải biết bơi; cần đưa bơi lội trở thành môn học bắt buộc trong trường học.

Sau đó, dù nhìn nhận bơi không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe mà còn là kỹ năng sinh tồn, nhưng việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi. Bởi hiện nay hầu hết các trường chưa có bể bơi.

 Việc dạy trẻ kỹ năng bơi lội sẽ là cách phòng tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: LĐO

Trong hội nghị bàn về những đổi mới môn học giáo dục thể chất trong nhà trường diễn ra mới đây, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh đến việc cần tăng cường dạy bơi cho học sinh.

Bộ GDĐT đã có công văn gửi các địa phương, tùy vào tình hình thực tế để tổ chức các khóa học bơi, kỹ năng an toàn cho trẻ bằng kinh phí địa phương để phổ cập bơi cho trẻ từ 6-12 tuổi.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, việc dạy trẻ bơi, cũng như khuyến khích trẻ tập luyện thể dục thể thao cần có sự chung tay của gia đình và toàn xã hội. Nhiều nơi đã thực hiện tốt nhờ việc xã hội hóa, huy động tổ chức, cá nhân có những hình thức xây dựng bể bơi di động, dạy bơi miễn phí cho học sinh.

Về phía ngành giáo dục, Bộ trưởng cho biết thời gian tới sẽ nghiên cứu, để có hình thức khuyến khích học bơi. Ví dụ, nếu học sinh biết bơi sẽ có hình thức khen thưởng, động viên các em học bơi nâng cao thể chất, cũng là cách bảo vệ mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn