MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các em học sinh Trường Tiểu học Phùng Khắc Khoan, TP Kon Tum học đánh cồng chiêng. Ảnh: Thanh Tuấn

Mời nghệ nhân cồng chiêng vào trường dạy học sinh biểu diễn

THANH TUẤN LDO | 01/02/2023 11:14

Gia Lai – Trước nguy cơ mai một và mất dần sự linh thiêng, hồn cốt của văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, nhiều trường học ở Gia Lai, Kon Tum đã quyết định đưa cồng chiêng vào giảng dạy, lớp học ngoại khoá…

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào ngày 25.11.2005.

Trong các lễ hội quan trọng của người dân Tây Nguyên như lễ tạ ơn rìu rựa, lễ tắm lúa, lễ cúng bến nước, lễ phơi rẫy, lễ xuống giống… người dân bản địa sử dụng cồng chiêng để thể hiện niềm vui hân hoan cũng như vẻ đẹp linh thiêng, văn hoá đặc sắc.  

Học sinh huyện Chư Păh biểu diễn cồng chiêng tại lễ hội. Ảnh: Thanh Tuấn 

Tuy nhiên, hiện nay người trẻ, những chủ nhân của di sản văn hoá thường không mấy mặn mà với văn hoá cồng chiêng, cách đánh chiêng, diễn tấu chiêng chưa bài bản, đúng chuẩn với truyền thống cha ông để lại. Có hiện tượng dùng cồng chiêng để múa hát, mua vui cho thực khách ngoài các lễ hội truyền thống… 

Lo ngại nét văn hoá bị biến đổi, mai một, nhiều trường học tại các huyện như Đăk Đoa, Ia Pa, huyện Chư Păh, Ia Grai (Gia Lai)… và một số nơi tại tỉnh Kon Tum đã đưa cồng chiêng vào lớp học, giờ học ngoại khoá.  

Ông Nguyễn Trọng Vinh - Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Păh cho biết, trường đã mời các nghệ nhân giỏi về truyền dạy và hình thành đội chiêng với các thành viên nòng cốt. Các em tấu diễn cồng chiêng tốt, bài bản sẽ có nhiệm vụ truyền đạt cho những học sinh khóa sau. 

“Tiếng cồng chiêng của người Ba Na, Jrai sẽ giúp các em yêu thêm văn hoá bản địa, tự hào và giữ gìn bản sắc vốn có”, thầy Vinh nói. 

Tại lễ hội Hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya mới đây, hàng trăm em học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Păh đã biểu diễn cồng chiêng độc đáo bên mái nhà rông, thu hút hàng nghìn lượt khách đến xem.  

Các bài nhạc như: “Chư Păh chiến thắng”, “Mừng Tây Nguyên vào mùa”, “Mừng lúa mới”… thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên và tình người cao nguyên.  

Còn tại tỉnh Kon Tum, một số trường học trên địa bàn thành phố cũng mời các nghệ nhân nhiều năm tuổi, có kinh nghiệm về truyền dạy đánh cồng chiêng cho học sinh.  

Tiếng cồng chiêng rộn rã, vui tươi, ngân vang giữa các làng bản, thôn xóm có sự khác nhau tạo nên sự đa dạng của văn hoá.  

Nghệ nhân có kinh nghiệm dạy sửa chiêng, đánh chiêng, nhịp điệu cho học sinh Kon Tum. Ảnh: Thanh Tuấn 

Ông Đinh Thế Hùng - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Phùng Khắc Khoan (xã Ia Chim, TP Kon Tum) cho biết, toàn trường có 382 em học sinh, 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số Jrai. Bên cạnh các tiết học văn hoá trên lớp thì nhà trường còn lồng ghép việc dạy cồng chiêng cho các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số.

Các em vui say, thoải mái với điệu cồng chiêng sau giờ học. Nhiều em trở thành “nghệ sĩ” nhí thường được mời biển diễn tại các lễ hội văn hoá trên địa bàn.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn