MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương là tin mừng. Ảnh: Trang Hà

Mong chờ ngày lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương

Thanh Hằng LDO | 14/11/2023 17:33

Hàng triệu giáo viên bày tỏ sự vui mừng, hân hoan và đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng vào việc cải cách tiền lương từ năm 2024. Điều này sẽ góp phần giải quyết được bài toán thu nhập, hạn chế tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp hay bỏ nghề.

Giáo viên trẻ vỡ mộng vì lương không đủ sống

Cô Trần Hà Linh - giáo viên môn Tiếng Anh tại một trường THPT ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, đứng trên bục giảng chưa được bao lâu, cô đã phải đối diện với thực tế lương không đủ sống.

Ngoài thời gian đứng lớp, cô Hà Linh phải thực hiện thêm các công việc khác như soạn kế hoạch dạy học, họp hội đồng, họp tổ chuyên môn, hoàn thiện sổ sách và các cuộc thi, đánh giá dành cho giáo viên...

“Bên cạnh những áp lực về chuyên môn, người giáo viên còn có những áp lực khác liên quan đến thi viên chức, làm sổ sách, thao giảng, dự giờ, chất lượng học sinh... Từ ngày đi dạy, tôi thường phải thức đến 1-2 giờ sáng để soạn bài và làm nhiều công việc khác" - cô Linh tâm sự.

Nhận mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng, giáo viên trẻ phải hạn chế chi tiêu hết mức và giảm nhiều nhu cầu giải trí mới có thể trang trải cuộc sống ở thành phố lớn.

Cô giáo trẻ cho biết, tiền lương hết "nhanh như một cơn gió", thế nhưng bản thân lại không thể làm thêm việc gì để trang trải cuộc sống vì không có thời gian rảnh.

"Là một người mới ra trường và đi dạy, ngoài áp lực về lương, tôi còn phải đối mặt với những áp lực đứng lớp, những tiết học dự giờ. Tôi vỡ mộng vì hiện thực khác xa với hình dung" - cô Linh bộc bạch.

Nhiều giáo viên mong ước sống được bằng lương. Ảnh: Trang Hà

Mong chờ ngày giáo viên sống được bằng lương

Là giáo viên mầm non, cô Nguyễn Thị Mai Hồng - giáo viên Trường Mầm non Nghi Ân (Nghệ An) kể: "Ngày nào cũng vậy, 6 rưỡi sáng, giáo viên chúng tôi phải có mặt ở trường để dọn dẹp lớp học, sẵn sàng đón trẻ. Cả ngày luôn tay, luôn chân với các công việc như cho trẻ ăn sáng, tập thể dục, vệ sinh, dạy học, cho trẻ ăn trưa, đi ngủ, ăn bữa chiều, tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi. Đến 5-6 giờ chiều, khi đã trả hết trẻ, giáo viên phải dọn dẹp lớp học xong mới có thể về nhà".

Ngoài việc đứng lớp, giáo viên mầm non còn phải làm đồ dùng học tập sao cho sáng tạo, vui nhộn, đẹp mắt để tạo hứng thú cho trẻ, và còn rất nhiều "việc không tên" khác.

Mỗi khi tới ngày lễ tết, các cô phải lên ý tưởng, làm đồ trang trí cho các con. Sau những kỳ nghỉ hè, lớp lại tiếp nhận thêm nhiều trẻ mới đi học, không quen lớp học và quấy khóc, các cô vừa phải bồng bế, dỗ dành, vừa trông nom các bé khác.

“Từ trước đến nay, giáo viên mầm non là một nghề cực kỳ vất vả, nhưng lương thì vẫn chưa được cải thiện xứng đáng với công sức. Nếu người giáo viên không yêu nghề, yêu trẻ thì khó có thể mà trụ được” - cô Mai Hồng chia sẻ.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội mới đây, về nội dung liên quan tới cải cách tiền lương, đặc biệt tiền lương của đội ngũ nhà giáo nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phân tích, thu nhập nhà giáo hiện nay gồm lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp. Lương nhà giáo đã cải thiện hơn trước nhưng so với tính chất đặc thù nghề nghiệp thì "vẫn còn thấp".

"Thời gian tới, khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay.

Trước thông tin này, hàng triệu giáo viên trên cả nước, trong đó có cô Linh, cô Hồng bày tỏ sự vui mừng, kỳ vọng, ủng hộ chính sách và mong ước việc cải cách tiền lương sớm triển khai để giáo viên có thể yên tâm công tác và gắn bó với nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn